Nông sản kỳ vọng được hiện diện nhiều hơn trên thương mại điện tử
Dịch COVID-19 đã mở rộng cánh cửa cho nông sản có mặt trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn.
Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn với hàng chục triệu khách hàng luôn là địa chỉ mà bất cứ mặt hàng nào mong muốn đặt chân đến, trong đó có nông sản. Những người nông dân ở các miền quê, nhưng sản phẩm OCOP nổi tiếng đều khát khao có một kênh hiệu quả để kết nối với khách hàng. Trong bối cảnh dịch COVID-19, xã hội giãn cách, khát khao này lại càng mạnh mẽ hơn.
"Chúng tôi muốn đem ra những cái sản phẩm đặc trưng. Những cái vùng làng quê của tỉnh Tiền Giang đã được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP để đến đây để giới thiệu cho mọi người, đặc biệt, người dân Hà Nội có thể tiếp cận, thưởng thức những sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh Tiền Giang", ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang chia sẻ.
Chợ trực tuyến là phao cứu sinh cho nông sản Việt trong thời gian giãn cách xã hội.
Lúc này, chợ trực tuyến, bán hàng trực tuyến là cứu cánh giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian mà hiệu quả cũng vẫn như kỳ vọng.
"Các mô hình kinh doanh chợ truyền thống, cửa hàng truyền thống... rất khó để có cơ hội tiếp cận như vậy. Với 10.000 người xem clip đó đã tạo ra được gần 1.000 đơn hàng trực tiếp chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Theo chúng tôi, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là hoạt động rất thiết thực với các doanh nghiệp", ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Không chỉ có lợi cho người bán, chính bản thân các sàn TMĐT, việc kinh doanh đặc sản địa phương cũng mang đến cho họ lợi thế cạnh tranh khác biệt. Bởi hiện 80% sản phẩm trên các sàn đều là hàng điện tử và tiêu dùng nhanh, chưa có nhiều điểm nhấn.
"Chúng tôi nhìn thấy thị trường TMĐT Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Chúng tôi có nhiều kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương, để giúp họ bán được nhiều hàng, tiếp cận nhiều khách hàng. Mặt khác, đó cũng là cơ hội tăng tốc tốt, để giúp chúng tôi tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm tới", ông Max Zhang, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam cho hay.
3 năm trở lại đây, TMĐT ngày càng phổ biến với người kinh doanh thành thị, thậm chí nhiều nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu. Thế nhưng, ở nông thôn, đây vẫn là sân chơi mới lạ. Bởi với những người đã quen thuộc với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá.... Vì vậy để có thể phổ biến hình thức kinh doanh này tới các hộ kinh doanh cá thể ở vùng nông thôn, cần có thời gian và sự nỗ lực từ chính người bán, có quan chức năng và sự ủng hộ của người mua trong thời gian tới.
Theo VTV.vn