Hòa nhạc Toyota 2025 - Nơi cảm xúc thăng hoa cùng âm nhạc cổ điển

07:37, 08/07/2025

Là hoạt động được triển khai thường niên từ năm 1998, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) để tổ chức chương trình Hòa nhạc Toyota 2025 dành cho khán thính giả yêu nhạc cổ điển với đêm diễn vào ngày 26/07/2025 tại Hà Nội. Vé sẽ mở bán từ ngày 07/07/2025.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc 30 năm phát triển bền vững của Toyota tại Việt Nam. Trong suốt hành trình đó, bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, Toyota còn đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội với mong muốn từng bước phát triển, góp phần vun đắp giá trị bền vững cho cộng đồng, trong đó hoạt động Hòa nhạc Toyota là hoạt động thường niên lâu đời nhất .

Khởi đầu từ năm 1998, Hòa nhạc Toyota không chỉ là chương trình nghệ thuật thường niên, mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một hành trình bền bỉ lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Qua từng năm, chương trình không ngừng đổi mới và nâng tầm chất lượng từ tác phẩm được biểu diễn cho đến dàn nghệ sĩ trình bày, với khát vọng đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với đời sống, chạm đến trái tim của mọi tầng lớp khán giả và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong cộng đồng.

Trong khuôn khổ dịp kỷ niệm đặc biệt này, Hòa nhạc Toyota 2025 sẽ mang đến các tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc vĩ đại Ludwig van Beethoven và Dmitri Shostakovich, được thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Honna Tetsuji cùng phần trình diễn của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy – một trong những tên tuổi hàng đầu của âm nhạc cổ điển Việt Nam.

Thông tin chi tiết về chương trình Hòa nhạc Toyota 2025:

Thông tin chung:

Địa điểm

Nhà hát Hồ Gươm (Số 40-40A Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thời gian

20:00 ngày 26/07/2025

Nghệ sĩ

Nhạc trưởng: Honna Tetsuji

Nghệ sĩ độc tấu Violin: Bùi Công Duy

Tác phẩm

-  Concerto Violin Re trưởng, OP.61 

-  Giao hưởng số 5 Re thứ, OP.47 

Giá vé:

Hạng S

            Hạng A

Hạng B

800.000 đồng

600.000 đồng

500.000 đồng

Vé sẽ được bán trực tiếp tại Nhà hát Hồ Gươm. Quý vị có thể liên hệ qua hotline 0965.765.946 hoặc 0913.489.858 để được tư vấn và đặt vé sớm nhất.

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng truy cập trang web www.toyota.com.vn hoặc https://www.facebook.com/ToyotaVietnam hoặc liên hệÔng Đặng Minh Tuân, Trưởng Ban Thương hiệu & Chuyển đổi số Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tầng 8, Trung tâm Lotte Hà Nội, 54 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: (0211) 3868 100; Email: hntuandm@toyotavn.com.vn

Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam (VNSO)

- Được thành lập theo quyết định số 79/VH-QĐ, ngày 14/6/1984 trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong quá trình hình thành và phát triển, VNSO từng bước đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Dàn nhạc đã nâng cao được chất lượng nghệ thuật biểu diễn, không chỉ được khán giả, giới báo chí, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp ở Việt Nam đón nhận và đánh giá cao mà còn được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các tour diễn trong và ngoài nước.

- Dàn nhạc biểu diễn khoảng 40 buổi hoà nhạc mỗi năm với vốn tiết mục đa dạng phong phú từ các tác  phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn đến các tác phẩm hiện đại của những nhạc sĩ Việt Nam và quốc tế, xây dựng và biểu diễn các chùm tác phẩm của nhiều soạn gia nổi tiếng trên thế giới như Mahler Cycle, Beethoven Cycle, Mozart Cycle, Brahm Cycle, J. Strauss Cycle, Schubert Cycle, Bruckner Cycle... dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng quốc tế tên tuổi, đặc biệt là các nhạc trưởng có những đóng góp to  lớn đối với sự phát triển của Dàn nhạc như: Honna Tetsuji (Giám đốc Âm nhạc VNSO từ năm 2009), Colin Metters, Fukumura Yoshikazu, Lê Phi Phi, Jonas Alber, Kahchun Wong... và các nghệ sỹ độc tấu nổi tiếng như: NSND Đặng Thái Sơn, Tsutsumi Tsuyoshi, Tamas Varga, Goto Ryu, Imai Nobuko, Bùi Công Duy, Premysl Vojta, Stefan Schilli, Yamashita Yosuke, Rainer Honeck,…

Nhạc trưởng Honna Tetsuji


- Honna Tetsuji là Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam kể từ năm 2009.

- Honna Tetsuji học tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw (1989 - 1991) và tại London Sifonietta (1995 - 1996).

- Ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995 - 2001) và là Chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1998 - 2001). Từ năm 2021, ông là cố vấn nghệ thuật của Học viện âm nhạc trẻ Việt Nam (VYMI).

- Các giải thưởng của ông bao gồm: Giải Nhì tại cuộc thi chỉ huy Quốc tế Tokyo (1985), Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Arturo Toscanini - Italia (1990), Giải Nhất và giải Bartok tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải Fresh Arrtist của giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel Music (1995), Giải Khuyến khích của Sân khấu Nghệ thuật Osaka sau khi chỉ huy tất cả các bản giao hưởng của Franz Schubert (1997), Giải thưởng của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (2009), Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2011), Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Giải thưởng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (2018) và Giải thưởng đặc biệt của Quỹ Âm nhạc Watanabe Akeo (2019).

- Honna Tetsuji đã từng chỉ huy vô số dàn nhạc, bao gồm: Dàn nhạc Philharmonic della Scala tại Milano, Dàn nhạc Orchestra Sinfonica di Milano Giuseppe Verdi, Dàn nhạc Orchestra Sinfonica Dell'Emilia Romagna "Arturo Toscanini", Dàn nhạc Mozarteum Orchestra Salzburg, Philharmonia Orchestra London, Dàn nhạc Giao hưởng Radio Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Prague Radio, Dàn nhạc Slovenian Philharmonic, Dàn nhạc Romanian Radio, Dàn nhạc Malaysia, Dàn nhạc Thượng  Hải, Dàn nhạc Giao hưởng Thẩm Quyến, Dàn nhạc Phillipines Philharmonic và hầu hết các dàn nhạc tại Nhật Bản.

- Ông được mời chỉ huy trong nhiều liên hoan quốc tế, bao gồm: Carinthischer Sommer tại Áo, Salzburg Spring Festival, Bartók Festival tại Hungary, Mostly Mozart Festival tại Tokyo, Liên hoan Mùa thu tại   Seoul, Asian Music Festival Tokyo, Oulunsalo Music Festival tại Phần Lan, Suntory Summer Festival, Ditto Festival tại Seoul, Karuizawa International Music Festival "La Folle Journee au Japon”, Festival Les Nuits Pianistiques Aix en Provence và “Milano Musica”, Liên hoan âm nhạc đương đại tại Teatro alla Scala...

-  Ông cũng từng làm việc với nhiều nghệ sỹ hàng đầu thế giới, gồm: Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprian Cacaris, Peter Resel, Đặng Thái Sơn, Philippe Entremont, Cecil Licad, Reiner Honek, Christian Tezlaff, Igor Oistrach…

Nghệ sĩ độc tấu Violin Bùi Công Duy

- Bùi Công Duy (sinh 1981, Hà Nội) có học vị tương đương Tiến sĩ, hiện là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 2017 – là người trẻ nhất nắm giữ vị trí này trong lịch sử Học viện gần 70 năm. 

- Ngày 28/11/2023, anh được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – thuộc nhóm nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được nhận giải này.

- Anh tốt nghiệp đai học, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và từng là người nước ngoài đầu tiên chiếm một vị trí trong dàn nhạc dây Virtuose Moscow.

- Đã giành nhiều giải quốc tế: giải Nhất tại các cuộc thi Demidov (1993), Zakhar Bron (1995), đặc biệt giải Nhất + Huy chương Vàng Tchaikovsky trẻ (1997).

- Từng là nghệ sĩ solo tại các buổi hòa nhạc lớn: cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker (2014), khai mạc IPU32 Hà Nội, APEC 2017, lễ đón tiếp Tổng thống Nga và Hàn Quốc.

- Ngoài vai trò biểu diễn, anh còn tích cực giảng dạy. Năm 2023, Bùi Công Duy được vinh danh Giáo sư danh dự tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan.

Hai tác phẩm được công diễn

CONCERTO VIOLIN RE TRƯỞNG, OP. 61: Dường như nhắc đến Beethoven là người ta nghĩ ngay tới mấy nốt mở đầu giao hưởng số 5, nét nhạc ám ảnh đến mức được mệnh danh là “Định mệnh”, và không chỉ ở tác phẩm đó, còn nhiều ví dụ khác để chỉ ra một thói quen ưa dùng các “hiệu lệnh”, hay “tín hiệu” âm thanh đặc trưng được nhấn mạnh nhiều lần của nhạc sỹ. Ta có thể kể đến ví dụ năm tiếng trống mở đầu của bản Concerto violin duy nhất ông để lại, cũng là một hiện tượng kỳ lạ ở vào thời điểm tác phẩm ra đời - khi còn ít người cũng sử dụng cách làm này.  

Nhưng tiếng gõ đều nhau, tạo sức căng và hồi hộp, theo một cách nào đó lại len lỏi vào từng câu nhạc trong chương I Allegro ma non troppo cho mỗi bè oboe, clarinet và bassoon… tiếp nhận, có khi lẹ làng và có khi dữ dội để xây nên các chủ đề. 

Dàn dây đưa ra chủ đề chính của chương chậm Larghetto ở ngay 10 ô nhịp mở đầu, mang vẻ đẹp giản đơn mà diễm lệ, rồi trải thành các biến khúc qua cor rồi clarinet, bassoon và quay lại dàn dây, còn người nghệ sỹ độc tấu chỉ điểm tô cho dàn nhạc. Khi cây violin solo cất lên mạch giai điệu rõ nét hơn, đó cũng là chủ đề thứ hai. Cả hai chủ đề đều được biến đổi thành các biến khúc, và cuối chương có một cadenza dẫn nối tới chương kết mà không phân ngắt. Một số nghệ sỹ violin bậc thầy đã tự viết cadenza cho chương này, mỗi thời kỳ lại có những phong cách riêng biệt đặc trung.

Chương 3 Rondo: Allegro bất chợt ùa tới bởi chủ đề “kèn săn” vui nhộn, đan xen giữa các đoạn chen, tạo cho cả chương hình thức rondo (ABACABA). Cả chương là một dòng chảy năng lượng vô tận, có cả những đoạn độc tấu duyên dáng ý nhị và cả những khi bùng nổ cảm xúc tươi mới của cadenza về cuối.  

Bản Concerto violin Rê trưởng, Op. 61, được Ludwig van Beethoven sáng tác vào năm 1806, và khi ra mắt lần đầu đã không thành công như mong đợi. Phải đến sau khi tác giả mất khá lâu, năm 1844, danh cầm Joseph Joachim mới đem bản nhạc trở lại và tuyên bố đây là bản concerto violin "vỹ đại nhất" của nước Đức. Từ đó đến nay, tác phẩm đã trở thành một trong những giai điệu vang lên nhiều nhất trong các phòng hòa nhạc và cả trong các nhạc viện trên thế giới. 

-  GIAO HƯỞNG SỐ 5 RE THỨ, OP. 47: Vào thời Stalin, mọi hoạt động văn hóa trong xã hội Liên Xô nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ, và đời sống âm nhạc cũng không ngoại lệ, đặc biệt là với ngôi sao đang lên lúc bấy giờ là Dmitri Shostakovich. Nhà soạn nhạc đã có cả những vinh quang rực rỡ nhất lẫn những chỉ trích nặng nề nhất, và chịu đựng cả những âm mưu ngăn cản ông đem trình diễn những tác phẩm mới của mình.

- Để bù lấp cho giao hưởng số 4 đã bị hoãn công diễn, Shostakovich lập tức lao vào dự án mới là bản số 5. Thành quả là ông đã lấy lại được chiến thắng trước mọi vùi dập, buổi ra mắt bản giao hưởng số 5 tại Leningrad tháng 11 năm 1937 đã tạo nên một "thành công vang dội", và tác phẩm trở thành một trong những giao hưởng được trình diễn nhiều nhất trong lịch sử. Điều này có lẽ đã nằm trong dự liệu của chính tác giả, khi nhạc sỹ mô tả về tác phẩm trong tờ chương trình, là “một trận chiến tinh thần kéo dài, với phần thưởng là chiến thắng”.

- Về nội dung âm nhạc, tác phẩm được chia bố cục thành 4 chương như truyền thống giao hưởng:

- Chương đầu tiên Moderato ở dạng sonata, với khởi điểm là nét nhảy giật quãng xa, gây không khí căng thẳng ngay từ đầu. Motif này còn tỏa khắp tác phẩm, như giăng mắc nỗi lo âu, kịch tính khắp hành trình âm nhạc. Chủ đề chính của bè violin dần xuất hiện, mờ ảo như qua màn sương ảm đạm, và khi các cây đàn khác hòa nhập vào, ta thấy âm điệu mở ra một đường nét mới có phần ấm áp hơn. Phần trình bày và phần phát triển kịch tính ngập tràn, chất chứa những thái cực cảm xúc phức tạp, trong bầu không khí âu lo; song đến cuối chương, vào tới phần tái hiện ta lại thấy sự tương phản bởi tinh thần “ra trận” khí thế. Xung đột chưa thực sự được giải quyết khi kết chương, ta vẫn thấy sức căng dồn nén về cuối.

- Khi vừa hết chương 1, khán giả có thể được thư giãn hơn bởi không khí vũ khúc nhẹ nhõm của chương 2, Allegretto. Tiết điệu nhảy ở đầu chương có phần giống với điệu ländler, một điệu nhảy dân gian truyền thống của châu Âu – do tổ dây trầm gồm cello, contrabass khơi lên, và sau đó đến lượt kèn cor và khối sáo gỗ làm màu sắc càng sáng rõ hơn nữa. Tính scherzo khá rõ nét trong chương nhạc này, với sự hài hước, tinh nghịch hiện hữu trong từng bè nhạc cụ.

- Bắt đầu bằng các đàn dây, chương 3 Largo gần tựa một tiểu phẩm hòa tấu thính phòng. Thật khó tin rằng chương nhạc đỉnh cao của cảm xúc này lại được Shostakovich sáng tác chỉ trong ba ngày. Tác động của chương nhạc đã khiến cho những khán giả đầu tiên được nghe tác phẩm ở buổi công diễn phải nhỏ nước mắt. Đó là một khối âm thanh bồng bềnh, mơ hồ, âm điệu không dễ nắm bắt, như chảy trôi trong vô định. Dẫu không có bất cứ diễn đạt nào bằng lời để định hình nội dung của âm nhạc ở đây, nhưng có lẽ thẳm sâu trong lòng những người dân dưới chế độ độc tài lúc bấy giờ đều mơ hồ cảm nhận được sự đồng cảm của tác giả với nỗi mất mát, mệt mỏi của mỗi người, khi mọi hoạt động đời sống và nghệ thuật có đề cập tới nỗi buồn đều bị hạn chế.

- Chương cuối Allegro non troppo cũng ở dạng 3 phần, mở rộng những chủ đề đã có từ các chương và thêm chủ đề mới được chơi trên kèn trumpet. Chủ đề mới này được truyền vào khối dây và cuối cùng bản nhạc trở nên trầm lắng hơn. Giữa chương tĩnh lặng và lắng đọng, sau là một đoạn hành khúc tang lễ. Cuối chương tất cả năng lượng của cả tác phẩm mới được giải phóng: toàn dàn dây chỉ duy trì một nốt La, kết thành nền đệm cho khối kèn đồng ca những thanh âm chiến thắng ở giọng trưởng.