Hòa nhạc Toyota, 2024 - Chương trình âm nhạc cổ điển với nhiều khung bậc cảm xúc sẽ đến với khán thính giả Hà Nội

16:29, 09/07/2024

Là hoạt động được triển khai thường niên từ năm 1998, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) để tổ chức chương trình Hòa nhạc Toyota 2024 dành cho khán thính giả yêu nhạc cổ điển với đêm diễn vào ngày 03/08/2024 tại Hà Nội. Vé sẽ mở bán từ ngày 09/07/2024 và toàn bộ số tiền bán vé sẽ được Toyota Việt Nam sử dụng cho các hoạt động đóng góp xã hội trong năm 2024.

Chương trình Hòa nhạc Toyota 2024.

Năm nay Hòa nhạc Toyota sẽ chào đón sự góp mặt của Nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji và nghệ sĩ độc tấu Piano tài năng – Võ Minh Quang cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Hòa nhạc Toyota 2024 hứa hẹn sẽ mang đến cho Quý khán thính giả một đêm nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc cùng các tác phẩm kinh điển của 03 nhà soạn nhạc tài ba Bedrich Smetana, Edvard Grieg và Antonín Dvořák.

Thông tin chi tiết về chương trình Hòa nhạc Toyota 2024:

  1. Thông tin chung:

Địa điểm

Nhà hát Hồ Gươm (Số 40-40A Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thời gian

20:00 ngày 03/08/2024

Nghệ sĩ

Nhạc trưởng: Honna Tetsuji

Nghệ sĩ độc tấu Piano: Võ Minh Quang

Tác phẩm

-  Vltava (Bedrich Smetana)

-  Concerto Piano La thứ, Op.16 (Edvard Grieg)

-  Giao hưởng số 8 Sol trưởng (Antonín Dvořák)

  1. Giá vé:

Hạng S

            Hạng A

Hạng B

800.000 đồng

600.000 đồng

500.000 đồng

Vé sẽ được bán trực tiếp tại: Nhà hát Hồ Gươm – Liên hệ: 0965.765.946 hoặc 0913.489.858

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng truy cập trang web www.toyota.com.vn hoặc https://www.facebook.com/ToyotaVietnam hoặc liên hệ:

Ông Đặng Minh Tuân

Trưởng Ban Truyền thông & Chuyển đổi số

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam

Tầng 8, Trung tâm Lotte Hà Nội, 54 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: (0211) 3868 100

Email: hntuandm@toyotavn.com.vn

THÔNG TIN THAM KHẢO:

Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam (VNSO)

- Được thành lập theo quyết định số 79/VH-QĐ, ngày 14/6/1984 trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong quá trình hình thành và phát triển, VNSO từng bước đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Dàn nhạc đã nâng cao được chất lượng nghệ thuật biểu diễn, không chỉ được khán giả, giới báo chí, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp ở Việt Nam đón nhận và đánh giá cao mà còn được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các tour diễn trong và ngoài nước.

- Dàn nhạc biểu diễn khoảng 40 buổi hoà nhạc mỗi năm với vốn tiết mục đa dạng phong phú từ các tác  phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn đến các tác phẩm hiện đại của những nhạc sĩ Việt Nam và quốc tế, xây dựng và biểu diễn các chùm tác phẩm của nhiều soạn gia nổi tiếng trên thế giới như Mahler Cycle, Beethoven Cycle, Mozart Cycle, Brahm Cycle, J. Strauss Cycle, Schubert Cycle, Bruckner Cycle... dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng quốc tế tên tuổi, đặc biệt là các nhạc trưởng có những đóng góp to  lớn đối với sự phát triển của Dàn nhạc như: Honna Tetsuji (Giám đốc Âm nhạc VNSO từ năm 2009), Colin Metters, Fukumura Yoshikazu, Lê Phi Phi, Jonas Alber, Kahchun Wong... và các nghệ sỹ độc tấu nổi tiếng như: NSND Đặng Thái Sơn, Tsutsumi Tsuyoshi, Tamas Varga, Goto Ryu, Imai Nobuko, NSND Bùi Công Duy, Premysl Vojta, Stefan Schilli, Yamashita Yosuke, Rainer Honeck,…

Nhạc trưởng Honna Tetsuji

Nhạc trưởng Honna Tetsuji.

- Honna Tetsuji là Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam kể từ năm 2009.

- Honna Tetsuji học tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw (1989 - 1991) và tại London Sifonietta (1995 - 1996).

- Ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995 - 2001) và là Chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1998 - 2001). Từ năm 2021, ông là cố vấn nghệ thuật của Học viện âm nhạc trẻ Việt Nam (VYMI).

- Các giải thưởng của ông bao gồm: Giải Nhì tại cuộc thi chỉ huy Quốc tế Tokyo (1985), Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Arturo Toscanini - Italia (1990), Giải Nhất và giải Bartok tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải Fresh Arrtist của giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel Music (1995), Giải Khuyến khích của Sân khấu Nghệ thuật Osaka sau khi chỉ huy tất cả các bản giao hưởng của Franz Schubert (1997), Giải thưởng của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (2009), Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2011), Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Giải thưởng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (2018) và Giải thưởng đặc biệt của Quỹ Âm nhạc Watanabe Akeo (2019).

- Honna Tetsuji đã từng chỉ huy vô số dàn nhạc, bao gồm: Dàn nhạc Philharmonic della Scala tại Milano, Dàn nhạc Orchestra Sinfonica di Milano Giuseppe Verdi, Dàn nhạc Orchestra Sinfonica Dell'Emilia Romagna "Arturo Toscanini", Dàn nhạc Mozarteum Orchestra Salzburg, Philharmonia Orchestra London, Dàn nhạc Giao hưởng Radio Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Prague Radio, Dàn nhạc Slovenian Philharmonic, Dàn nhạc Romanian Radio, Dàn nhạc Malaysia, Dàn nhạc Thượng  Hải, Dàn nhạc Giao hưởng Thẩm Quyến, Dàn nhạc Phillipines Philharmonic và hầu hết các dàn nhạc tại Nhật Bản.

- Ông được mời chỉ huy trong nhiều liên hoan quốc tế, bao gồm: Carinthischer Sommer tại Áo, Salzburg Spring Festival, Bartók Festival tại Hungary, Mostly Mozart Festival tại Tokyo, Liên hoan Mùa thu tại   Seoul, Asian Music Festival Tokyo, Oulunsalo Music Festival tại Phần Lan, Suntory Summer Festival, Ditto Festival tại Seoul, Karuizawa International Music Festival "La Folle Journee au Japon”, Festival Les Nuits Pianistiques Aix en Provence và “Milano Musica”, Liên hoan âm nhạc đương đại tại Teatro alla Scala...

- Ông cũng từng làm việc với nhiều nghệ sỹ hàng đầu thế giới, gồm: Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprian Cacaris, Peter Resel, Đặng Thái Sơn, Philippe Entremont, Cecil Licad, Reiner Honek, Christian Tezlaff, Igor Oistrach…

Nghệ sĩ độc tấu Piano Võ Minh Quang

Nghệ sĩ độc tấu Piano Võ Minh Quang.

- Võ Minh Quang – QUANG VO, nghệ sĩ Piano 17 tuổi, hiện đang là sinh viên chuyên ngành biểu diễn piano tại Đại học Florida Gulf Coast. Đây cũng chính là nơi Minh Quang nhận được học bổng toàn phần dưới sự giảng dạy của Tiến sĩ Michael Baron, Giáo sư âm nhạc và Trưởng Bộ môn Đàn Phím tại Trường âm nhạc Bower.

- Trong thời gian học tại Mỹ, Minh Quang đã giành được rất nhiều giải thưởng như: Giải nhất Solo cuộc thi MTNA của Bang Florida, Giải nhất Piano Duet liên Bang cuộc thi MTNA, giải nhất Cuộc thi tổ chức bởi Dàn nhạc Tampa Bay Symphony, trong đó Quang đã biểu diễn bốn buổi Concerto Piano số 1 của Liszt, Giải nhất bảng và giải nhất chung cuộc cuộc thi Prescott của dàn nhạc giao hưởng Tây Nam Florida. Minh Quang cũng được mời biểu diễn dưới tư cách là nghệ sĩ khách mời cùng 2 dàn nhạc này trong năm 2025.

- Minh Quang đã được nhiều giám khảo và nghệ sĩ piano nổi tiếng đánh giá là một pianist có kỹ thuật tuyệt vời, bản lĩnh sân khấu tốt, tư duy âm nhạc thông minh, tự nhiên, tinh tế, giàu cảm xúc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng ngoài Piano, Minh Quang còn chơi được Violin và Cello.

- Trong quá trình học tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự giảng dạy của Tiến sĩ Đào Trọng Tuyên, Minh Quang đã đạt hơn 30 giải nhất và giải đặc biệt từ các cuộc thi trong nước và quốc tế. Một số giải thưởng uy tín, tiêu biểu như: Giải nhất Cuộc thi âm nhạc Mùa thu, Giải nhất tại Cuộc thi dành cho sinh viên các trường văn hóa và nghệ thuật trên toàn quốc do Bộ VHTDTT tổ chức.

- Minh Quang cũng từng đạt Quán quân, giải nhất Cuộc thi Piano Quốc tế Kayserburg, Giải nhất cuộc thi Piano Steinway, Giải nhất bảng concerto và Giải nhì bảng solo cuộc thi Putra và biểu diễn với dàn nhạc Klpac Orchestra Orchestra - Kuala Lumpur, năm Giải nhất liên tiếp trong cuộc thi Chopin & Mozart tại Thái Lan, Giải nhất cuộc thi Piano Trung Quốc-Asean tại Trung Quốc, 3 bằng xuất sắc: Post Lauréat en Piano of Vincent-D’indy-Canada, Licentiate of Trinity College London (LTCL)–Trinity–Anh và Licentiate in Music (LMuSa)-AMEB -Úc và nhiều cuộc thi khác...

- Minh Quang đã tham gia nhiều buổi biểu diễn solo cũng như biểu diễn với các dàn nhạc ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hungary, Đức, Áo và Mỹ.

- Với hàng loạt thành tích đặc biệt Võ Minh Quang đã được nhận danh hiệu: Gương mặt nghệ sỹ trẻ 2019, Gương mặt tài năng tiêu biểu toàn quốc 2020, nhận bằng khen từ Bộ trưởng Bộ giáo dục, được trao Bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và được tôn vinh là "Gương mặt trẻ tiêu biểu lĩnh vực Văn hóa và Nghệ thuật của Việt Nam”.

Ba tác phẩm được công diễn

Vltava: Tác phẩm này mô tả hành trình của dòng Vltava. Khúc nhạc cất tiếng kể về hai con suối đầu tiên, dòng này ấm dòng kia lạnh, khởi từ sâu trong khu rừng Bohemian, ta dõi thấy những dòng suối khi chúng hòa vào nhau và theo dòng chảy của dòng sông qua những cánh đồng và rừng cây... một đồng cỏ nơi những người nông dân đang tổ chức đám cưới. Trong ánh trăng bàng bạc, những nữ thần sông vui đùa trong điệu vũ xoay tròn, những lâu đài và cung điện thấp thoáng, có cả những tàn tích kiêu hãnh cổ xưa hiện ra từ những vách đá hoang vu. Sông Vltava sục sôi và dâng trào ở đoạn Ghềnh St. John, sau đó chảy thành sải rộng về phía Praha. Trên bờ xuất hiện Lâu đài Vysehrad (chủ đề bốn nốt từ bản đầu tiên trong số sáu bản thơ giao hưởng). Con sông  vươn xa hùng vỹ, đến khuất tầm nhìn, và cuối cùng nhường chỗ cho dòng Elbe.

Có biết bao người đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của âm nhạc khi nét chủ đề đầu tiên của bản Vltava vang lên, dẫu chưa hề đọc lời tả nào như trên. Đó là những dòng do thi sỹ, nhạc sỹ Václav Zeleny diễn giải cho tác phẩm.

Chủ đề chính của khúc Vltava đã, đang và vẫn sẽ đi vào tâm trí của lớp lớp người yêu khí nhạc phương tây, bởi cách phối khí và dẫn dắt hoà âm quyện chặt, tạo nên một thứ cảm giác xao xuyến, tha thiết đến náo động tâm can của Smetana, người được coi là cha đẻ của nền âm nhạc Czech.

Concerto Piano La thứ, Op.16: “Tôi chắc chắn rằng âm nhạc của tôi có hương vị cá tuyết”.

Câu nói dí dỏm này của Edvard Grieg có lẽ đã tóm gọn được một tính cách cơ bản và bao trùm lên toàn bộ phong cách nghệ thuật mà ông đã tạo dựng: đó là tinh thần dân tộc Na Uy thấm đẫm trong từng giai điệu, hòa âm và cả cách phối khí.

Có thể nói, Grieg là người đã giới thiệu được dân ca, dân vũ Na Uy với thế giới, qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như bộ nhạc nền kịch/Suite Peer Gynt, hay bộ Suite Holberg… và đặc biệt nổi tiếng là bản Concerto Piano La thứ.

Khi soạn tác phẩm này, Grieg mới là một thanh niên trẻ 25 tuổi, và người nghe có thể nhận ra nhựa sống tuổi trẻ tràn đầy ở chất liệu giai điệu lôi cuốn, có vẻ đẹp rực rỡ và kỹ năng trình diễn hấp dẫn. Song, không phải vì thế mà bề sâu của tác phẩm không được chú trọng, bởi phân tích vào bên trong nội hàm, các nhà nghiên cứu vẫn thấy cấu trúc, hình thức tác phẩm chặt chẽ, các bè đan kết cùng nhau tinh tế trong một tầm vóc thẩm mỹ ổn định. Vượt lên trên tất cả những vấn đề kỹ thuật đó, vẻ đẹp của âm nhạc Grieg vẫn đạt tới nét ngây thơ, trẻ trung và tươi mới đặc biệt, xuyên suốt cả ba chương nhạc:

Chương 1 Allegro molto moderato

Trống timpani dồn ở ngay mở đầu khiến bầu không khí được khuấy động lên rộn rã, mở đường cho bè piano độc tấu khơi lên một nét giai điệu ấn tượng: một hợp âm Chủ của điệu tính chính La thứ “đóng đinh” phần trống lại, sau đó tạo một làn sóng đổ xuống theo trình tự quãng 2 (La - Sol#), rồi quãng 3 (Sol# - Mi, Mi - Do, Do - La) đan xen nhau liên tục, rồi từ dưới thấp lại cuộn trào lên bằng một nét chạy rải hợp âm và kết thúc bằng các hợp âm phụ dẫn về bậc Át. Cách xếp quãng này là đặc trưng của dân ca Na Uy quê hương Grieg. Có một thứ cảm xúc gì đó mãnh liệt trào dâng, và trạng thái cân bằng chỉ được thiết lập lại khi dàn nhạc tiếp đáp piano, nổi bật là kèn cor ấm áp xoa dịu sự dữ dội của nghệ sỹ độc tấu.

Chương 2 Adagio

Rũ lớp áo rực rỡ của chương 1, Grieg như tìm về được trạng thái cân bằng tĩnh lặng ở chương 2, khi dàn dây chơi khẽ tiếng xa xăm (con sordino), các kèn gỗ chơi độc tấu huyền ảo. Piano đi từ nét trang trí nhỏ bé, dần về sau mới hòa vào chơi cùng dàn nhạc.

Chương 3  Allegro moderato molto e marcato – Quasi presto – Andante maestoso

Chương thứ ba mở đầu ở nhịp 2/4 với chủ đề tràn đầy năng lượng, mang âm hưởng của của điệu dân vũ Halling của Na Uy. Tiếp đến là đoạn nhạc chen mang chất trữ tình thanh thản được trình bày bởi sáo flute, và piano cũng đi theo bầu không khí lãng mạn đó. Về cuối chương nhạc, Grieg lại kéo ta về với điệu nhảy của những người con Na Uy, dần đưa ta đến kết thúc tác phẩm đầy kịch tính.

Edvard Grieg đã tạo ra một phong cách thống nhất bản sắc cá nhân và cộng đồng, kết hợp được thủ pháp sáng tác truyền thống của nghệ thuật Cổ điển - Lãng mạn phương tây với hồn cốt dân tộc Na Uy trong Concerto piano La thứ một cách xuất sắc. 

Giao hưởng số 8 Sol trưởng: Giao hưởng số 8 Sol trưởng của Antonín Dvořák (1841 – 1904) là một bản nhạc ngập tràn sức sống, như khắc hoạ một khung cảnh thôn quê rộn rã, tưng bừng: ta nghe nhạc là có thể thấy trước mắt cảnh những nông dân Bohemian đang khiêu vũ, tiếng kèn gọi từ xa dội lại, tiếng chim gọi bầy ríu rít trong rừng…. Đó là một thế giới đầy mê hoặc, vừa đắm say vừa mang cảm giác bình yên khó tả. Trong mỗi chương chứa rất nhiều chủ đề khác nhau dựa trên chất liệu Bohemian. Có những phân đoạn phát triển chủ đề gần như ngẫu hứng. Đây là một trong số ít giao hưởng thời Lãng mạn được viết ở giọng Sol trưởng, vốn là điệu tính gợi nhắc không khí thanh bình, yên ả.

Chương 1 Allegro con brio: Bắt đầu bằng âm điệu Sol thứ trầm dịu ở bè cello, giai điệu du dương tựa như tiếng hát.

Lắng nghe kỹ, bạn sẽ nghe thấy các bè phụ của kèn horn, bassoon, clarinet và tay gảy dây của contrebass cũng nhịp nhàng đưa theo, tất cả kết hợp để tạo ra một dòng chảy đặc biệt hoà quyện. Ngay khi giai điệu tha thiết này lắng xuống, người nghe sẽ nhận ra có tiếng chim gọi bầy của sáo flute rộn rã trên cao.

Chủ đề 2 là một âm hình giống như lời hỏi – đáp của bè sáo, không thực sự tương phản với chủ đề 1. Cả chương sau đó triển khai các nét giai điệu theo một hành trình sống động, cuốn người nghe không ngừng nghỉ. Cuối chương là màn đối đáp giữa bè dây và khối kèn hơi.

Có người từng nói, chương 1 giống như khắc hoạ một cơn bão từ khi hình thành, qua giai đoạn bùng nổ dữ dội và khép lại bằng một đoạn coda đầy tràn năng lượng. Một đặc điểm khác thường của chương nhạc là vai trò của trống timpani: tay trống chơi láy rền trong nhiều phân đoạn, làm tăng sức kịch tính.

Chương 2 Adagio: Bắt đầu với chủ đề được chơi bởi dàn dây, rồi chính chủ đề đó được hoạ lại bởi oboe và flute, liền nối sau đó là các cây clarinet hồi đáp… Cuộc đối thoại cứ tiếp diễn qua các bè nhạc cụ khác nhau, tới bassoon, kèn cor, khối violin, đến các viola và cello gảy pizzicato.

Cả chương nhạc là tiến trình biến tấu (8 lần) trên cùng một chủ đề. Không khí trong chương nhạc rất giống như ở giao hưởng số 6 Đồng quê của Beethoven, như một khúc ca thanh bình.

Chương 3 Allegretto grazioso — Molto vivace có cấu trúc ba phần: phần đầu là một điệu valse nền nã mang đậm chất vũ hội thành Vienna; phần giữa là nơi Dvořák giới thiệu cho thính giả thế giới biết tới nét duyên dáng của tiết điệu nhảy Tiệp Khắc quê hương ông, cùng giai điệu có tính ngâm ngợi, suy tư. Phần cuối của chương nhạc lại trở về với âm điệu valse tưng bừng lúc đầu, cùng một coda ngắn trước khi sang chương cuối.

Chương cuối Allegro ma non troppo: Gồm một chủ đề và các biến tấu. Chương nhạc bắt đầu bằng hồi kèn trumpet vẫy gọi, và sau đó đến phần chủ đề kịch tính. Sức căng được xây đắp dần dần, rồi phần năng lượng dồn nén được giải phóng, niềm vui trở lại với chủ đề chính. Phần giữa phát triển từ một chi tiết trong chủ đề chính, dao động giữa các điệu trưởng – thứ linh hoạt.

Sau khi trở lại phần chậm và có tính ca xướng, chương nhạc có màn coda ấn tượng bởi âm sắc bộ kèn đồng cùng trống timpani rạng rỡ. Đây cũng là chương nhạc mang những nét vũ điệu đặc trưng dân gian Bohemian.

Từ những nốt nhạc đầu tiên của chương 1 cho tới kết thúc ở coda chương kết, cả bản giao hưởng như dẫn dắt người nghe vào một hành trình phiêu lưu huyền ảo.

(*) Toàn bộ thông tin về 3 tác phẩm thuộc bản quyền của tác giả Mai Hạnh – Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)