Từ mã QR đến blockchain: Công nghệ đang định hình cuộc chiến chống hàng giả tại Việt Nam

16:07, 08/07/2025

Xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế quốc gia. Bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh.

Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam

Với sứ mệnh lấy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) làm đột phá, thúc đẩy ứng dụng và phát triển dữ liệu, kết nối hệ sinh thái ĐMST, xây dựng nền tảng dữ liệu - công nghệ, sáng 8/7, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (NDA), Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”.

Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng nhiệm vụ triển khai các chính sách quốc gia về phát triển kinh tế số, CĐS và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật liên quan đến CĐS, logistics, nông nghiệp, thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu.

Hội thảo hướng đến thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý, DN và tổ chức công nghệ nhằm phát triển các giải pháp truy xuất nguồn gốc, từ đó hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ thương mại số, y tế, nông nghiệp, logistics và chuỗi cung ứng thông minh. Mục tiêu là xây dựng hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc minh bạch, đáng tin cậy, hỗ trợ hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước và quốc tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.

Ngoài ra, Hội thảo cũng đề xuất chính sách, sáng kiến và mô hình ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số tiên tiến như blockchain, định danh số, mã QR đa tầng… vào các ngành kinh tế chủ lực. Các diễn giả uy tín là đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia công nghệ, DN sản xuất sẽ có các trao đổi chuyên sâu nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và xu hướng công nghệ trong xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều nội dung đang được cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN, xã hội và người dân đặc biệt quan tâm hiện nay như: Vấn đề hàng thật - hàng giả và chuẩn đo lường để giám sát, điều chỉnh; việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các DN sản xuất để kiểm soát gian lận thương mại; giải pháp công nghệ trong truy xuất và xác thực nguồn gốc hàng hóa; kinh nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế trong truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả là những nội dung sẽ được thảo luận tại Hội thảo.

Minh bạch sản phẩm từ xác thực truy xuất nguồn gốc

Theo các chuyên gia, truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho quản trị số, chính sách số và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, giúp Chính phủ hoạch định chính sách hiệu quả, hỗ trợ DN ĐMST, và tăng cường niềm tin của người dân vào sản phẩm trong nước.

Ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm là giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất

Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng cao tính minh bạch, khả năng truy vết và niềm tin số - các yếu tố thiết yếu cho thương mại điện tử, nông sản xuất khẩu, logistics thông minh và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc giúp cung cấp dữ liệu chính xác, liên tục và đa chiều từ khâu đầu vào đến đầu ra, giúp DN quản lý rủi ro, dự báo sản xuất, điều phối kho vận, kiểm soát chất lượng tốt hơn. Đây cũng là công cụ hỗ trợ CĐS toàn diện trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Trong bối cảnh gian lận thương mại đang là vấn đề nóng của toàn xã hội thì thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể xác minh nhanh chóng và minh bạch nguồn gốc sản phẩm, phân biệt rõ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ở bình diện lớn, với hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ nội địa (blockchain, định danh số…), Việt Nam có thể kiểm soát dữ liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nền tảng ngoại và giữ vững chủ quyền dữ liệu.

Là một diễn giả có trao đổi tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia - TĐC) cho rằng, từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra.

Bên cạnh đó, bối cảnh thúc đẩy CĐS từ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS quốc gia đã đặt ra bài toán CĐS cho sản phẩm hàng hóa.

Nghị quyết đã đề cập việc đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực, có chính sách khuyến khích DN đầu tư cho CĐS… Thực hiện CĐS chính là khoác cho sản phẩm, hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Còn theo ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, NDA, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, được nhiều người quan tâm. Đã có những quy định, đã có những tổ chức, DN triển khai việc này nhưng còn rất manh mún, rời rạc, và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào.

Ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ thông tin, Công ty CP Dược phẩm ECO, cho biết một trong những thách thức lớn nhất mà DN đối mặt là vấn đề hàng giả. Ngay từ năm 2010, Công ty CP Dược phẩm ECO đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ sản phẩm, từng chai thuốc, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất khi đến tay người tiêu dùng.

Phiên Tọa đàm chuyên đề với chủ đề: “Định danh, Xác thực, Truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam”

Tuy nhiên dù đã triển khai nhiều giải pháp, vấn đề hàng giả vẫn là một “ma trận” phức tạp với nhiều thách thức. Hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại của Eco Pharma vẫn còn một số hạn chế.

“Thứ nhất, hệ thống của chúng tôi chủ yếu phục vụ mục đích nội bộ, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là chính hãng, nhưng chưa phải là một nền tảng hoàn chỉnh để khách hàng tự xác minh thông tin sản phẩm. Chúng tôi phải sử dụng thêm các nền tảng bên ngoài như iCheck để hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra trực tuyến”, ông Hoàng Tuấn Anh nói.

“Điều này cho thấy các phần mềm hiện tại còn rời rạc, thiếu đồng bộ, khiến khách hàng khó theo dõi toàn bộ vòng đời sản phẩm từ sản xuất, nhập khẩu, đến phân phối. Thứ hai, các nền tảng hiện nay chưa được cơ quan nhà nước bảo chứng, mà chủ yếu dựa vào uy tín của DN. Khách hàng tin tưởng vào hệ thống của chúng tôi vì uy tín của công ty, chứ không phải vì có một cơ chế bảo chứng chính thức từ nhà nước”.

Theo ông Nguyễn Huy, các cơ quan chức năng vẫn đang thiếu một cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung, dẫn đến tình trạng dữ liệu phân mảnh theo từng ngành. “Một sản phẩm khi nhập khẩu, cấp chứng nhận chất lượng, hay vận chuyển đều sử dụng các CSDL khác nhau, gây khó khăn trong việc giám sát và thực thi pháp luật về hàng giả, hàng nhái”, ông Nguyễn Huy nói.

Các cơ quan quản lý không có công cụ để theo dõi theo thời gian thực hoặc tự động xử lý vi phạm. Về phía DN, không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực hoặc mong muốn tham gia vào hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc như VinGroup, Masan hay một số tập đoàn lớn.

Theo thống kê, chỉ khoảng 2% sản phẩm tại Việt Nam hiện nay được định danh, dù đã có chuẩn định danh liên thông quốc tế của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc thiếu giải pháp đồng bộ làm tăng chi phí vận hành cho DN, trong khi hiệu quả mang lại chưa cao và chưa liên thông được với quốc tế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường toàn cầu và gây khó khăn trong các vấn đề hải quan.

“Trong bối cảnh cả nước thực hiện CĐS, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các DN, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ định danh xác thực truy xuất nguồn gốc cho DN giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO và Công ty CP Tập đoàn PILA. Thỏa thuận được kỳ vọng tạo động lực cho việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực dược phẩm, y tế./.