“Nóng” thị trường đầu tư tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số dựa trên NFT
Không chỉ Bitcoin hay tiền kỹ thuật số, một thị trường khác cũng đang nóng lên thời gian gần đây, đó là các tác phẩm nghệ thuật được số hóa nhờ công nghệ blockchain.
Công nghệ cao kết hợp với tính độc nhất vô nhị đã góp phần biến các tác phẩm nghệ thuật được số hóa nhờ blockchain trở thành một xu hướng mới được giới sưu tầm và cả các nhà đầu tư săn lùng.
Anh Sundaresan hiện là một doanh nhân công nghệ tại Singapore. Với cách ăn vận khá giản đơn, không nhiều người biết rằng anh hiện đang là người sở hữu một trong những tác phẩm nghệ thuật đắt giá hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 3, anh đã bỏ ra gần 70 triệu USD để sở hữu tác phẩm mang tên "5.000 ngày đầu tiên" do nghệ sĩ người Mỹ với biệt danh Beeple thực hiện và do nhà đấu giá nổi tiếng Christie's rao bán.
Anh Sundaresan hiện là một doanh nhân công nghệ tại Singapore. (Ảnh: republicworld)
"Bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ ra một số tiền lớn như vậy. Nó là một tác phẩm tuyệt vời và việc này cũng làm cho cả thế giới phải nhắc đến một thị trường vốn chưa mấy tiếng tăm", anh Vignesh Sundaresan cho biết.
Điều đặc biệt ở tác phẩm của Beeple là nó hoàn toàn được định danh và giao dịch trên không gian số, mà vẫn không mất đi tính độc đáo của mình. Các loại tài sản số hóa như thế này được gắn với NFT - một loại chứng chỉ xác thực không thể sao chép, được lưu trữ nhờ blockchain, giúp đảm bảo xác nhận chỉ có một chủ sở hữu tài sản tại một thời điểm nhất định và không thể bị sửa đổi.
NFT - một hình thức mới trong việc mua bán các sản phẩm nghệ thuật kỹ thuật số cùng những phương tiện truyền thông khác. (Ảnh: Town & Country Magazine)
Bắt đầu phổ biến từ vài năm trước, nhất là trên mạng lưới tiền số Ethereum, nhưng tới gần đây, công nghệ này mới thành một xu hướng được quan tâm rộng rãi, nhờ gắn với các loại tài sản số có giá trị như tác phẩm hội họa, album nhạc hay các nội dung gốc nổi tiếng trên Internet, chẳng hạn như dòng tweet đầu tiên trên thế giới của CEO Twitter Jack Dorsey được bán với giá gần 3 triệu USD.
"Tôi muốn thương vụ của mình sẽ thúc đẩy lĩnh vực tiềm năng này, mang lại một không gian mới cho các nghệ sĩ và cả giới sưu tầm. Đó có thể là một nỗ lực lâu dài cũng giống như 13 năm mà Beeple dành để làm ra tác phẩm vậy", anh Vignesh Sundaresan chia sẻ.
Sau thương vụ của Christie's, nhiều ông lớn khác trong ngành đấu giá như Sotherby's và Philips cũng đã bắt đầu tham gia "cơn sốt NFT", báo hiệu sẽ có thêm nhiều thương vụ bom tấn khác của lĩnh vực này trong tương lai.
Thanh Tùng (T/h)