Ông Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 168 người, ông Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 - Ảnh: VGP/T.C.
Ngày 3/12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra phiên bế mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương đến dự phiên bế mạc đại hội.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao trước đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã hoàn thành toàn bộ các nội dung của chương trình đề ra.
Nhiệm kỳ 2023-2028 tập trung 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. |
Đại hội vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các vị khách quốc tế, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, các cán bộ công đoàn các thời kỳ đã tới dự phiên trọng thể và tham dự các hoạt động của Đại hội, mang đến Đại hội những tình cảm đặc biệt, sự cổ vũ, động viên to lớn đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đã nghe Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; tham luận, thảo luận tại Đại hội và tổ chức 10 Diễn đàn chuyên đề đã làm sâu sắc thêm những định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo chính trị, củng cố thêm về lý luận và thực tiễn làm cơ sở nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Công đoàn sửa đổi, bổ sung.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo quan trọng, khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 90 năm qua và trong nhiệm kỳ 2018-2023.
Đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong thời gian tới; trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm chăm lo, xây dựng, phát huy vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đại hội đã thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 168 người. Tại Hội nghị lần thứ nhất, bầu 28 người tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII và 5 Phó chủ tịch gồm: ông Phan Văn Anh, ông Ngọ Duy Hiểu, bà Thái Thu Xương, ông Huỳnh Thanh Xuân, ông Nguyễn Xuân Hùng, bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII gồm 17 người và bầu ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII.
Đại hội biểu thị quyết tâm của tổ chức Công đoàn thực hiện thành công mục tiêu: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo nên sức mạnh mới của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Với tinh thần và khí thế mới từ Đại hội, đề nghị các cấp công đoàn ngay sau Đại hội tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước về kết quả của Đại hội và các nhiệm vụ mà Đại hội đề ra.
Đồng thời, xây dựng chương trình hành động và các đề án, kế hoạch cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Đại hội kêu gọi cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: "Thay mặt 168 đồng chí vừa được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đại biểu, đại hội đã tín nhiệm bầu chúng tôi vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam giữa hai nhiệm kỳ đại hội".
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thay mặt 168 đồng chí vừa được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII phát biểu nhận nhiệm vụ - Ảnh: VGP/T.C.
Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đây vừa là vinh dự to lớn, song cũng gắn với trọng trách nặng nề mà đại hội và cán bộ đoàn viên cả nước tin tưởng giao phó.
Nhiệm kỳ 2023-2028, bên cạnh những thời cơ và nhiều thuận lợi, Công đoàn Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn như báo cáo trình đại hội đã chỉ rõ. Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của đại hội và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đại hội đề ra, Ban Chấp hành khóa XIII sẽ kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả, kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và đoàn viên, người lao động cả nước giao phó.
Nâng cao phúc lợi cho người lao động, tập trung triển khai xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình tập trung vào những nội dung lớn của dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, thảo luận dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của Đại hội, thu hút sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu dự Đại hội. Đại hội đã nhận được rất nhiều đăng ký tham luận, phát biểu của đại biểu, có 93 lượt ý kiến phát biểu tại 10 Diễn đàn chuyên đề, có 156 lượt ý kiến phát biểu tại 10 Trung tâm thảo luận, có 11 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường.
Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, phong phú, toàn diện, trí tuệ. Các ý kiến thảo luận đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm và bổ sung một số nội dung quan trọng về vấn đề chung và những vấn đề cụ thể.
Về 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề trước khi khai mạc chính thức Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, đây là điểm mới của Đại hội kỳ này nhằm lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, đoàn viên tiêu biểu cả nước về 10 vấn đề lớn, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam hiện nay.
Các ý kiến góp ý từ các Diễn đàn sẽ được Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 tiếp thu vào quá trình xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và các chương trình trọng tâm, nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ, đồng thời phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023–2028.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã báo cáo về việc tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.
Theo đó, một số ý kiến đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...
Đồng thời nâng cao trình độ cán bộ làm chính sách, tham gia xây dựng pháp luật; nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ tại tòa án của tổ chức công đoàn; đào tạo đội ngũ luật sư công đoàn.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; về phối hợp triển khai có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người lao động; về tăng cường thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, huy động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; rà soát, ký kết các thỏa thuận hợp tác có chất lượng, nâng cao phúc lợi cho người lao động; phối hợp tham gia triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Đoàn Chủ tịch ghi nhận, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện nội dung Báo cáo trước khi phát hành và trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang chủ trì Họp báo thông tin kết quả Đại hội - Ảnh: VGP/T.C.
Quan tâm xây dựng vị trí việc làm và biên chế của cán bộ công đoàn
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung các giải pháp, nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ đạt 15 triệu đoàn viên, khi giao chỉ tiêu cần lưu ý tới nguồn lao động còn lại để giao cho hợp lý, tránh chỉ tiêu giao mà đơn vị không có khả năng thực hiện được trên thực tế vì hết nguồn.
Cần nghiên cứu cụ thể hóa nội dung ưu tiên về chuyển đổi số trong đăng ký, gia nhập, cấp thẻ đoàn viên theo hướng thuận tiện, linh hoạt; sớm nghiên cứu mô hình, hoạt động nghiệp đoàn phù hợp để tập hợp đối với người lao động sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin như Grab, Bee... tăng cường, có các giải pháp hiệu quả trong bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, có cơ chế đãi ngộ khuyến khích tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm nhất là ở khu vực ngoài nhà nước.
Quan tâm có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở, tăng cường đào tạo kỹ năng hoạt động công đoàn gắn với thực tiễn tình hình doanh nghiệp, tình hình kinh tế- xã hội ở địa phương, cơ sở.
Thường xuyên tổ chức tập huấn các nội dung chuyên đề về thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở vì đây đều là các nội dung trọng tâm, cốt lõi, thiết thực đối với cơ sở, đồng thời nhằm thực hiện được khâu đột phá tập trung đối thoại, thương lượng theo dự thảo báo cáo.
Quan tâm đến việc xây dựng vị trí việc làm và biên chế của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vì đây là đội ngũ trực tiếp hỗ trợ cho cán bộ công đoàn cơ sở trong triển khai nhiệm vụ; xem xét kiến nghị về việc cắt giảm bớt một số thủ tục, giấy tờ trong giới thiệu đoàn viên ưu tú là công nhân, lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cho Đảng bồi dưỡng kết nạp đảm bảo thuận tiện, khả thi.
Đoàn Chủ tịch ghi nhận, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để hoàn thiện nội dung Báo cáo trước khi phát hành và trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2023-2028: Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu. |
Theo Báo điện tử Chính phủ