PayGov là nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam
Hệ thống PayGov được phát triển để đáp ứng những nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Qua đó, thực hiện vai trò của Bộ TT&TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (gọi tắt là hệ thống PayGov) chính thức đi vào vận hành từ ngày 24/7/2020. Ngay từ thời điểm mới ra mắt, Cổng PayGov đã kết nối với 9 trung gian thanh toán gồm NAPAS, Viettel Digital, VNPay, M_Service, Viet Union, VTC, Ngân Lượng, ViMass và FPT Telecom.
Theo nhóm phát triển PayGov, thực hiện thanh toán thông qua hệ thống này, mọi quy trình sẽ được số hoá 100%.
Theo nhóm phát triển PayGov, thực hiện thanh toán thông qua hệ thống này, mọi quy trình sẽ được số hoá 100%. Người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công, sau đó được bộ phận một cửa/Trung tâm hành chính công tiếp nhận.
Người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán dịch vụ công bằng nhiều cách: Truy cập Cổng dịch vụ công, tại bước thanh toán, trang thanh toán của PayGov sẽ được tự động chuyển tiếp nhanh chóng và sẵn sàng các phương án cho người dùng lựa chọn.
Người dùng cũng có thể truy cập trực tiếp vào Cổng PayGov, tiến hành đăng nhập thông tin hồ sơ cần thanh toán và lựa chọn cách thức thanh toán mong muốn. Ngoài ra, Cổng PayGov giúp mở rộng phương thức thanh toán cho người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, sau khi hồ sơ được phê duyệt, người dùng có thể thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc đại lý được ủy quyền thu phí.
Bộ TT&TT nhấn mạnh, hệ thống PayGov không làm chức năng thanh toán mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng, là công cụ kỹ thuật hỗ trợ các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa kết nối, hỗ trợ tổng hợp các thông tin giao dịch, giúp tra soát, đối soát dễ dàng, thuận tiện.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ cần kết nối với PayGov qua một giao diện duy nhất là có thể sử dụng tiện ích của tất cả trung gian thanh toán. Các trung gian thanh toán cũng chỉ cần kết nối đến PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đã có 14 đơn vị trung gian thanh toán kết nối đến hệ thống PayGov, chiếm hơn 95% thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Cùng với đó, 33 bộ, địa phương đã và đang thực hiện kết nối với PayGov.
Kết nối với hệ thống PayGov, các bộ, ngành, địa phương có thể nhanh chóng đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của mình lên mức độ 4, sớm hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm nay. PayGov cũng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thống nhất về mặt thiết kế kỹ thuật, đồng bộ quy trình, hỗ trợ tra soát, hoàn trả, đối soát, quyết toán trong việc xử lý giao dịch thanh toán trực tuyến.
Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL là những đơn vị đầu tiên hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov. Nhờ kết nối với các trung gian thanh toán qua PayGov, người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công do các bộ, tỉnh này cung cấp có thể dễ dàng thanh toán phí, lệ phí.
Đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp 1.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 85%. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 518, đạt 35,5%, hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo yêu cầu được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 17 năm 2019 và Nghị quyết 01 năm 2020. Với Bộ VHTT&DL, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 4 đang được cơ quan này cung cấp là 49 dịch vụ, chiếm 51,58% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ.
Bộ TT&TT đang tiếp tục đôn đốc các bộ, địa phương còn lại kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của mình với hệ thống PayGov để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công.
PayGov là nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 6/2020 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể về thanh toán điện tử: đến năm 2025 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50% và đến năm 2030 trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Theo đó, hệ thống PayGov cần được phát triển để đáp ứng những nhu cầu về hỗ trợ thanh toán trực tuyến trong Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, qua đó thực hiện vai trò của Bộ TT&TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
“Việc kết nối với hệ thống PayGov sẽ hỗ trợ các bộ, các tỉnh cung cấp tất cả kênh thanh toán trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa của đơn vị mình, thúc đẩy thanh toán điện tử, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”, Bộ TT&TT khẳng định.
Với người dân, doanh nghiệp, Cổng PayGov là địa chỉ cung cấp mọi thông tin liên quan đến tra cứu và hỗ trợ thanh toán trực tuyến dịch vụ công. Với khả năng kết nối và online hóa 100%, PayGov hướng tới hỗ trợ việc hoàn chỉnh và tối ưu quy trình thanh quyết toán, đối soát giữa Kho bạc Nhà nước và Trung tâm hành chính công.
Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, hệ thống PayGov thể hiện cách nghĩ, cách làm mới trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thay đổi từ việc cung cấp những gì mình có sang phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước cần cung cấp mọi kênh thanh toán có thể để người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn kênh nào phù hợp với mình. Đồng thời, tạo lập nền tảng hỗ trợ tất cả các trung gian thanh toán có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ thanh toán cho mọi người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ, tiện ích. Đây là “sân chơi” đảm bảo công bằng, cạnh tranh bình đẳng cho tất các các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thùy Chi (T/h)