Phấn đấu thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại
Đến nay, ngành Tài chính đã có bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính đặt kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở, hệ sinh thái Tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu HoSE báo cáo sự cố nghẽn lệnh chiều 10/1
- KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng trong năm 2021
- Niềm vui khi người nông dân làm chủ công nghệ tài chính số
- Tin tặc nhắm vào chính phủ, luật pháp và các tổ chức tài chính ở Trung Đông
- Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản
100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Theo thống kê của Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 896 thủ tục. Cho đến nay, 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 346/533 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 64,92% (vượt hơn 30% so với yêu cầu tại các nghị quyết của Chính phủ). Trong đó: Tổng cục Thuế 150 DVCTT, Tổng cục Hải quan 97 DVCTT, Kho bạc Nhà nước 7 DVCTT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 36 DVCTT, cơ quan Bộ Tài chính 56 DVCTT.
Các DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Vì vậy, các DVCTT của Bộ Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao.
Hệ thống Thuế thuộc ngành Tài chính đã đẩy mạnh chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao. |
Về triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, Bộ Tài chính đã kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hoàn thành cung cấp dữ liệu 15/15 chỉ tiêu trong một số lĩnh vực chính như: thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), bội chi NSNN, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài, dư nợ công so với GDP, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu, tỷ lệ nợ đọng thuế, số giờ nộp thuế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn NSNN…
Về điện tử hóa chế độ báo cáo định kỳ, Bộ Tài chính đã rà soát đề xuất danh mục chế độ báo cáo định kỳ điện tử hóa trong giai đoạn 2020 – 2022, bao gồm 230 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ để triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính. Theo đó, tổng số chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đang triển khai điện tử hóa trong giai đoạn 2020 - 2022 là 230 chế độ báo cáo, đạt tỷ lệ 79,31%, vượt hơn 20% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.
Tiến tới thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại các cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2042/QĐ-BTC).
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2021 - 2025, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4. 100% DVCTT được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng.
100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tích hợp 100% DVCTT mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.
Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC của Bộ Tài chính. 100% các dữ liệu được cung cấp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính (dữ liệu được phép công bố theo quy định của pháp luật) theo yêu cầu về dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% Bộ phận một cửa được ứng dụng CNTT để giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đúng kế hoạch, lộ trình triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).
Theo/thoibaotaichinhvietnam.vn