Xây dựng nguồn nhân lực chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và nhiều lĩnh vực khác.
Các trường đại học cần được trao quyền tự chủ học thuật, tái cấu trúc linh hoạt, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, thúc đẩy hợp tác đào tạo với doanh nghiệp.
Tháo gỡ điểm nghẽn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Không chỉ là nền tảng công nghệ cốt lõi, chất bán dẫn còn đang trở thành biểu tượng của năng lực cạnh tranh và vị thế địa chính trị quốc gia. Dự báo, đến năm 2030, quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 1.000 tỷ USD.
Từ thực tế đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn đang đóng vai trò quan trọng để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là lực lượng có vai trò kết nối giữa kỹ thuật, điều hành, nghiên cứu, sản xuất và hoạch định chính sách.
Tháng 9/2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg) và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Quyết định số 1017/QĐ-TTg). Mục tiêu đặt ra là đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành, trong đó có 42.000 kỹ sư, 7.500 thạc sĩ, 500 nghiên cứu sinh và 5.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo.
Tại Hội thảo quốc tế "Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam" do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức, nhiều chuyên gia đầu ngành, đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đã trao đổi giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn.
Từ góc độ quốc tế, chuyên gia chính sách thị trường lao động và việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Felix Weiden Kaff nhận định rằng, ngành công nghiệp điện tử đang là động lực tạo việc làm quan trọng tại Việt Nam, nhất là các vị trí có tay nghề trung bình trong sản xuất thiết bị máy tính, điện tử và quang học.
Ông Felix Weiden Kaff cho biết, nhiều động lực đang làm thay đổi sâu sắc bản chất công việc và yêu cầu về kỹ năng, bao gồm tiến bộ công nghệ (robot, tự động hóa, vật liệu tiên tiến), toàn cầu hóa (căng thẳng địa chính trị, dịch chuyển chuỗi giá trị) và biến đổi khí hậu (xu hướng giảm sử dụng các sản phẩm điện tử gây hại môi trường).
Cần chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ
TS. Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN cho rằng, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, không chỉ về nhân lực mà còn cả hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng.
Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 5 đến 10 năm tới là thách thức lớn nếu thiếu nền tảng chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ.
TS. Hoàng đề xuất là áp dụng mô hình đào tạo “song cấp”: Đào tạo đồng thời giảng viên và sinh viên thông qua các giáo sư thỉnh giảng, từ đó tạo ra đội ngũ nhân lực tinh hoa. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc thu hút các “đại bàng” công nghệ bằng các chính sách ưu đãi vượt trội, môi trường sống và điều kiện làm việc hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần được trao quyền tự chủ học thuật, tái cấu trúc linh hoạt, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, thúc đẩy hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, khuyến khích các mô hình spin-off và startup trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh yêu cầu đi liền giữa tiếp nhận và làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ phải gắn với sở hữu trí tuệ để tạo giá trị thực tế.
Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia kiến nghị, Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách đặc thù thu hút, hỗ trợ nhân tài; các bộ, ngành cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn, trong khi doanh nghiệp cần tham gia sâu vào quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.