Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Chuyên gia đề xuất không nên bao quát "lõi" công nghiệp bán dẫn
Chiều 25/4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến công nghiệp bán dẫn, đề xuất cách tiếp cận phù hợp để không làm hạn chế tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.
Liên quan đến nội dung công nghiệp bán dẫn (CNBD), nhiều chuyên gia có cùng băn khoăn về việc đưa CNBD vào là một phần của công nghiệp công nghệ số về mặt tiếp cận KHCN là chưa đầy đủ, chưa toàn diện và rất có thể làm hạn chế sự phát triển của CNBD sau này. Bởi lẽ CNBD rất rộng, ngoài về hạ tầng, các con chip về điều khiển,…thì còn góp mặt trong nhiều lĩnh vực khác như trong công nghiệp năng lượng, y tế, an ninh quốc phòng, đầu thu dẫn trong tên lửa,…
Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn chủ trì.
Chuyên gia lo ngại Luật CNCNS "trói buộc" công nghiệp bán dẫn
Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) chỉ nên quy định về CNBD phục vụ cho CNCNS, chứ không điều chỉnh “lõi” của CNBD, vì dự thảo luật không thể bao quát được hết các chính sách cho CNBD.
TS. Nguyễn Việt Cường, Hội Tin học Việt Nam cho rằng không nên đưa CNBD vào điều chỉnh trong Luật CNCNS. Bởi lẽ có sự khác nhau rất lớn giữa mức độ đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Cũng theo TS. Cường, tại Chương III của dự thảo Luật không nói một cách rõ ràng và chưa có sự liên kết đến các phần khác như trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số. Thực tế, khi sử dụng chip đưa vào các cái tính toán hiệu năng cao thì sẽ nảy ra vấn đề là hai phần đấy có sự liên quan với nhau. Muốn thiết kế được một con chip AI tốt để sau này có thể sử dụng được thì bộ thiết kế phải tương thích với cái thứ đã lập trình ở trên.
TS. Nguyễn Việt Cường đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Ông Cường cho rằng sử dụng khái niệm CNBD thì chưa được phù hợp. Bởi chip hay vi mạch có rất nhiều công nghệ khác mà không dựa trên chất bán dẫn. Nếu sử dụng từ bán dẫn sẽ dẫn đến lạc hậu. Xem xét Công nghiệp điện tử, Công nghiệp vi mạch thì đúng hơn.
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 39 “Phát triển CNBD phải đồng bộ với công nghiệp điện tử theo hướng tập trung vào thiết bị internet vạn vận, thiết bị điện tử chuyên dụng trong các ngành, lĩnh vực”. Theo ông Cường, không nên tập trung vào internet vạn vật bởi phần giá trị gia tăng của IoT nằm ở CNTT.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề xuất trong Luật CNCNS nên có thêm ưu đãi cho doanh nghiệp FDI mà pháp nhân hoàn toàn 100% là người Việt Nam.
Việt Nam nên chọn "lối đi ngách"
Để Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trên toàn cầu về bán dẫn, theo GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, cho rằng Việt Nam nên đi ngách như Đài Loan, Hàn Quốc. “Đài Loan họ đẩy mạnh về khâu chế tạo từ các chip đơn giản đến các chip rất phức tạp. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều phụ thuộc vào Đài Loan về chế tạo. Còn Việt Nam cực kỳ mạnh về đóng gói. Chúng ta nên tận dụng cái đang mạnh, đầu tư mạnh về nhân lực, doanh nghiệp đóng gói. Nếu trong thời gian tới chúng ta không chỉ dừng lại ở đóng gói đơn giản mà chuyển sang đóng gói nâng cao thì thế giới sẽ là điểm mạnh trong tương lai.
Việt Nam còn có điểm giỏi là thiết kế các công cụ về tự động hoá. Bán dẫn là một phần của ngành công nghiệp rất lớn, có thể gắn trực tiếp với công nghiệp về vật liệu, công nghiệp tự động hoá. Nên nếu dự thảo Luật này chỉ viết khiên cưỡng bán dẫn không thì sợ rằng sau này khi doanh nghiệp vào đầu tư sẽ gặp vướng” - GS. TS Chử Đức Trình chia sẻ tại hội thảo.
GS. TS Chử Đức Trình khuyến nghị Việt Nam tập trung thế mạnh vào đóng gói, thiết kế tự động hóa.
GS. TS Trình cũng gợi mở về bổ sung hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong Luật CNCNS. Có thể nêu rõ là sẽ hỗ trợ về cái gì, về pháp lý, về mặt bằng, truyền dẫn và các thứ khác,… Đây chính là căn cứ để 5, 10 năm tới Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong ngành CNBD như Đài Loan chẳng hạn.
Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bán dẫn
Đồng quan điểm, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, Đại học Phenikaa cho rằng cần định nghĩa thế nào là công ty chip nội địa và định nghĩa thế nào là sản phẩm chip nội địa.
Theo đó, công ty chip nội địa là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty Việt Nam có CEO và Chủ tịch Hội đồng quản trị mang quốc tịch Việt Nam, với yêu cầu trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) chính phải đặt tại Việt Nam và có quy mô nhân sự kỹ sư lớn hơn bất kỳ trung tâm R&D nào ở nước ngoài.
Sản phẩm chip nội địa được định nghĩa là sản phẩm do doanh nghiệp nội địa thiết kế và sản xuất, có chứng minh đầu tư vào sản xuất thử nghiệm, hệ thống đo kiểm, sở hữu bằng sáng chế Việt Nam hoặc quốc tế, và thực hiện gia công chế tạo chip (fabrication) chứ không chỉ đóng gói (packaging).
Về ưu đãi thuế, các công ty khởi nghiệp bán dẫn sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu tiên do đặc thù khó khăn trong giai đoạn đầu kinh doanh. Đồng thời, CEO, CTO và 30-50% nhân sự có quốc tịch Việt Nam cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm chip thương mại hóa, họ sẽ tiếp tục được miễn thuế thu nhập cá nhân cho CEO, CTO và 30% nhân sự trong 5 năm tiếp theo, không yêu cầu quốc tịch Việt Nam, nhằm khuyến khích duy trì và phát triển nguồn lực lâu dài.
Để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà nước cần thành lập một quỹ cho vay vốn không lãi suất đối với các nhiệm vụ cụ thể như đầu tư hệ thống mô phỏng HPC, mua license công cụ thiết kế, mua license IP thành phần và sản xuất thử nghiệm chip.
TS. Lê Thái Hà đề xuất thành lập quỹ cho vay không lãi suất cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm chip.
Nếu doanh nghiệp thành công, họ phải hoàn trả vốn; nếu thất bại, tài sản còn lại sẽ thuộc về nhà nước mà không truy cứu trách nhiệm. Hoạt động mua sắm các công cụ HPC và license thiết kế phải tuân thủ đấu thầu minh bạch, trong khi việc mua IP và sản xuất chip được ưu tiên làm việc trực tiếp với các đối tác quốc tế như Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan để đảm bảo chất lượng và minh bạch.
Về hỗ trợ chính sách sản phẩm, nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm chip nội địa và hỗ trợ 50% chi phí mua sản phẩm này trong vòng 5 năm, với điều kiện giá thành không vượt quá 2 lần giá thương mại tương đương.
Các sản phẩm điện tử sử dụng chip nội địa quan trọng như CPU, chip xử lý băng gốc viễn thông, chip xử lý AI, hình ảnh, camera, ADC/DAC tốc độ cao, chip nguồn chính,... sẽ được miễn thuế VAT. Ngoài ra, nếu sản phẩm chip nội địa là linh kiện chính của sản phẩm điện tử, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ 30% thuế lợi nhuận trong ít nhất 3 năm, và chính sách hỗ trợ sẽ kéo dài thêm 1 năm sau khi doanh nghiệp đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận ổn định.
Góp ý bổ sung hoàn thiện các quy định chi tiết
Góp ý tại hội thảo, GS. TS Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN đề xuất bổ sung thêm “hệ sinh thái phụ trợ” tại Điều 40 về hoạt động CNBD. Ông cũng chỉ ra, trong các hoạt động của CNBD ở trong Luật chưa thấy có phần thiết kế. Nếu như bổ sung thêm thiết kế thì sẽ thuận lợi cho triển khai sau này.
Tại “Khoản 3 Điều 41 Dự án sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn được miễn áp dụng quy định cấm nhập khẩu đối với dây chuyền máy móc, thiết bị, dụng cụ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất”, ông Tùng để xuất có thêm danh mục do Bộ Bộ KHCN, Bộ Công Thương hoặc bộ nào ban hành nhằm tránh trường hợp nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, cũng như để phù hợp công nghệ và an toàn sản xuất.
GS. TS Nguyễn Thanh Tùng đề xuất bổ sung quy định về "hệ sinh thái phụ trợ" cho CNBD.
Tại “Khoản 4 Điều 41 Dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn thuộc đối tượng được áp dụng phương thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” ông Tùng đề xuất mở rộng thêm cho đào tạo chuyên sâu hay xây dựng thêm các trung tâm thiết kế. Ông cho rằng, Việt Nam có thể tham gia ngay vào những việc này hơn là tham gia vào sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng đề xuất gộp Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 42 thì sẽ dễ hiểu hơn. Phần thu nhập phát sinh cần làm rõ là thuế gì (thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập FDI,..) hoặc có chỉ dẫn là cơ quan chức năng nào phụ trách việc này.
Góp ý Khoản 2 Điều 43 về hỗ trợ tối đa 20% kinh phí mua công nghệ và đổi mới công nghệ, theo ông Tùng cần nêu rõ là hỗ trợ theo quy định nào, công nghệ mới này có yêu cầu về mức độ tiên tiến hay cần phù hợp với ngành bán dẫn không, cũng cần có danh mục hoặc có cơ quan nào quản lý để các điều khoản thực thi được tốt.
Liên quan đến Điều 43, đại diện Tập đoàn Viettel ông Nguyễn Quang Hoàn đề xuất bổ sung thêm doanh nghiệp sản xuất chip cũng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, phải phát huy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực CNBD phục vụ CNCNS, tạo nên “những quả đấm thép” tự lực, tự cường trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh trong CNBD thì nhân sự chất lượng cao đặc biệt quan trọng, các ý kiến cho rằng, cần chú trọng phát triển đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học trong lĩnh vực này; tiếp tục đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Nên chăng có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn được hưởng ưu đãi phải sử dụng nhân sự, kỹ sư, nhà khoa học của nước ta.
Lần đầu tiên đặt nền móng chính sách cho công nghiệp bán dẫn
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương khẳng định sự cần thiết phải có quy định về CNBD và AI trong Luật CNCNS.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Hoàng Phương cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào của pháp luật đề cập đến CNBD và trí tuệ nhân tạo (AI), đây là lần đầu tiên chúng ta quy định nội dung này trong dự thảo Luật CNCNS. Nếu không quy định, thì không thể thiết kế các chính sách ưu đãi để đầu tư CNBD, tăng cường nội lực đất nước trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất CNBD.
Đáng lưu ý, dự thảo luật cũng quy định hỗ trợ các công nghiệp phụ trợ trong CNBD, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm CNBD; ưu đãi mua sắm các sản phẩm dịch vụ đáp ứng tiêu chí về thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp CNCNS trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định các ý kiến góp ý tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật CNCNS; đồng thời có thể cân nhắc, xem xét quy định phát triển các sản phẩm lưỡng dụng trong CNCNS trong dự thảo luật.