Phao nghiên cứu biến đổi khí hậu “có một không hai” được đưa ra ngoài khơi bờ biển Plymouth

10:39, 04/07/2021

Đây là loại phao tự hành tiên tiến nhất, được phát triển ở Anh và sẽ đo các chỉ số cơ bản phục vụ cho công tác nghiên cứu khí hậu.

Phòng thí nghiệm Hàng hải Plymouth đã dành hai năm để xây dựng chiếc phao cao gần 9 m, được trang bị các cảm biến và thiết bị giám sát. Phao này có trị giá hơn 0,5 triệu Bảng Anh, nặng khoảng 3 tấn, hoạt động bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Phao sẽ được đặt cách bờ biển Plymouth khoảng 8 km tại đài quan sát Western Channel Observatory, theo dõi và thu thập các chỉ số chính cho nghiên cứu khí hậu.

Oban Jones, nhà công nghệ khoa học hàng hải của Phòng thí nghiệm biển Plymouth, cho biết: "Phao này có một không hai. Không nơi nào khác trên thế giới có loại phao này, thực hiện những công việc mà chúng tôi đang làm vào thời điểm này".

Phao nghiên cứu biến đổi khí hậu “có một không hai” được đưa ra ngoài khơi bờ biển Plymouth - Ảnh 1.

Phao này là một phần của đội robot tự hành đại dương. (Ảnh: Sky News)

Dữ liệu thu được sẽ được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. "Phao sẽ thu thập các dữ liệu và dữ liệu này được công bố trên trang web của chúng tôi, qua đó hỗ trợ việc hoạch định chính sách ở Anh và trên toàn cầu".

James Fishwick, người đứng đầu hoạt động và quản lý công nghệ của đài quan sát Western Channel Observatory, cho biết: "Chúng tôi đang thu thập dữ liệu tiêu chuẩn như nhiệt độ và độ mặn, nhưng quan trọng là chúng tôi đang xem xét mức oxy, nguồn dinh dưỡng trong nước, số lượng động, thực vật dưới nước, xem xét độ trong của nước, độ PH, axit hóa đại dương - tất cả các thông số thực sự quan trọng đối với công tác nghiên cứu khí hậu".

Phao nghiên cứu biến đổi khí hậu “có một không hai” được đưa ra ngoài khơi bờ biển Plymouth - Ảnh 2.

Phao cao gần 9 m, nặng 3 tấn. (Ảnh: Sky News)

Các cảm biến sẽ được hạ xuống độ sâu 50 m, qua đó đo lường và xác định các thay đổi trong đại dương sau mỗi vài cm.

Chiếc phao này là một phần của hạm đội robot tự hành đại dương do phòng thí nghiệm phát triển, bao gồm tàu ​​ngầm và tàu nổi sẽ liên lạc với nhau và gửi lại dữ liệu quan trọng.

Trong 2 tuần tới, nhóm các nhà khoa học sẽ hiệu chỉnh các cảm biến trước khi kéo phao ra biển. Dữ liệu đầu tiên dự kiến ​​sẽ được truyền trở lại vào giữa tháng 7.

Trước đó, một phao tự hành tiên tiến do Anh phát triển đã được đưa ra ngoài khơi bờ biển Devon để theo dõi "sức khỏe" của các đại dương.

Theo Sky News