Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI

09:14, 28/05/2025

Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ số, robot, tự động hóa. Việt Nam và Pháp cần chia sẻ tầm nhìn chung về các lĩnh vực này…

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam, ngày 27/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Phu nhân và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), ngôi trường được thành lập và phát triển theo các hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Pháp ký ngày 12/11/2009 và 2/11/2018. 

Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Bày tỏ vui mừng khi hai nước đang ngày càng gắn kết trong hợp tác về giáo dục, Tổng thống Pháp nhấn mạnh lĩnh vực giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương hai nước. 

Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: TTXVN.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh tính đến nay, hơn 15 nghìn kỹ sư, hơn 3 nghìn bác sỹ, hàng nghìn chuyên gia pháp luật của Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp. Với sự thành công của mô hình hợp tác USTH dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, giáo dục sẽ tiếp tục là trụ cột hợp tác quan trọng của hai nước nhằm đề cao giá trị con người, tính nhân văn. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng vui mừng thông báo, hai nước sẽ ký kết một hiệp định mới về giáo dục nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Đánh giá thế giới đang trải qua nhiều biến động với những giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của cả nhân loại mà thế hệ của ông chưa từng gặp, Tổng thống Pháp khẳng định, hai nước có những lợi ích chung trong thiết lập cân bằng về địa chính trị và hòa bình, đảm bảo an ninh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Pháp cần phải theo đuổi mục tiêu chung: Thiết lập lại các mối quan hệ hợp tác vì hòa bình, vì thịnh vượng chung. 

Hai nước cần thúc đẩy phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế, quốc phòng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác, khu vực khác, hướng tới tự do cho nhân loại; hướng tới sự thịnh vượng để chống lại biến đổi khí hậu, tránh mất cân bằng đa dạng sinh học…

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Việt Nam là một nền kinh tế lớn, nằm trong các nước có thu nhập trung bình. Muốn thúc đẩy phát triển, Tổng thống Pháp cho rằng, thế hệ trẻ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam cần giải quyết được những thách thức trong giai đoạn biến động như: Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phụ thuộc carbon, bảo vệ hệ sinh thái… 

“Chúng ta phải làm sao vừa đảm bảo được kinh tế, vừa bảo vệ được hệ sinh thái, có mô hình phát triển kinh tế sạch, xanh và bền vững để đạt được trung hòa carbon vào năm 2050; hướng tới tiêu dùng sản xuất sạch hơn, xanh hơn, vì môi trường. Đây cũng là trọng tâm trong các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Pháp”, Tổng thống Emmanuel Macron nêu rõ.

Tổng thống Pháp cũng đề cập đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo; nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người đi nhanh hơn, mạnh hơn nhưng không thể thay thế được con người. 

Pháp muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ số, robot, tự động hóa. Việt Nam và Pháp cần chia sẻ tầm nhìn chung về các lĩnh vực này. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Từ nay đến năm 2030, Pháp sẽ tăng gấp đôi số lượng học sinh, sinh viên trao đổi của hai nước.

Ngày 26/5, thay mặt Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng phụ trách bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao về Khối Pháp ngữ và các quan hệ đối tác quốc tế Pháp Thani Mohamed Soilihi đã ký Hiệp định mới (Hiệp định nhằm cập nhật và thay thế Hiệp định hợp tác KH&CN đã được Chính phủ hai nước ký từ năm 2007). 

Hiệp định hợp tác về KH,CN&ĐMST giữa Việt Nam và Pháp đặt trọng tâm vào việc tăng cường trao đổi chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung; tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm công nghệ; hỗ trợ phát triển các tổ chức chuyển giao công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. 

Đồng thời tái khởi động Chương trình Hoa Sen Lotus, một sáng kiến nổi bật từng mang lại nhiều kết quả thiết thực trong lĩnh vực KH&CN giữa hai nước.