Phạt tiền chưa đủ để triệt tận gốc nạn video nhảm trên mạng xã hội
Vì lợi nhuận, thời gian vừa qua nhiều người đã bất chấp tất cả cho ra đời những video có nội dung nhảm nhỉ, giật gân. Đáng lo ngại là những video này lại thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, hành vi thậm chí có tác động xấu đến xã hội đến sự phát triển nhân cách của người xem. Việc xử phạt bằng tiền là chưa đủ mà cần phải có bổ sung các quy định như cắt tiền quảng cáo, “treo” hoạt động hoặc “đóng cửa” kênh tùy theo các mức độ vi phạm.
Ngày càng nhiều cạm bẫy
Thời gian qua, đã có rất nhiều người trở thành con mồi ngon trên mạng xã hội. “Ma trận” bẫy được giăng khắp nơi, bẫy tiền bạc có, và bẫy tình cũng có. Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bây giờ không còn là chuyện hiếm, đã có người mất hàng tỷ đồng vì tin vào “bạn bè” chỉ quen qua mạng. Nhiều cô gái mới lớn cả tin cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị quấy rối từ thủ đoạn lừa đảo “kết bạn”, “làm quen”, “rủ rê” trên mạng.
Tuy nhiên, việc sập bẫy thông tin trên mạng còn đáng sợ hơn rất nhiều, bởi những nội dung xấu độc, kích động tiêu cực, trái pháp luật, chống phá Nhà nước. Thiếu kiểm chứng thông tin, họ lan truyền tin giả với tốc độ vẫn thường được gọi là “tay nhanh hơn não” và vi phạm kiểu này đã bị các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, nhất là trong quãng thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua.
Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, Hưng troll) cũng liên tiếp bị xử phạt hành chính về những video phản cảm trên Youtube.
Nhiều người gọi đó là cạm bẫy văn hóa. Người dùng luôn có cảm giác “xem không mất gì”, họ cứ vô tư xem, vô từ nghiền ngẫm mà không hề hay biết mình đã rơi vào cạm bẫy ấy. Những nội dung xấu xí ấy cứ âm thầm gặm nhấm làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của người dùng theo hướng tiêu cực. Đó là khi những video nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan, tiêm nhiễm vào người xem những nội dung nhố nhăng, phản cảm, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục, trong đó ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành nhân cách của trẻ em.
Những cạm bẫy ấy dường như nhà chức trách không thể kiểm soát được khi mà mỗi cá nhân rất dễ dàng tạo ra một kênh cá nhân của riêng mình trên nền tảng xã hội như Youtube, Facebook hay Tiktok…Trẻ em làm Youtube. Người già cũng làm Youtube. “Giang hồ mạng” nổi lên khắp nơi… Để lôi kéo người xem, câu like (lượt thích) với mục đích kiếm tiền quảng cáo chia sẻ từ các mạng xã hội, chủ kênh không từ bất kỳ chiêu trò “chế” ra các nội dung độc lạ, giật gân, sẵn sàng bóp méo văn hóa Việt bằng những kiểu troll (chọc ghẹo, chơi khăm) nhảm nhí nhất.
Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) một thời làm mưa làm gió với những clip nhảm nhí trên mạng xã hội.
Ngô Bá Khá (tức Khá “bảnh”) trước khi bị phạt tù về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, từng là một nhân vật “nổi tiếng” trên mạng xã hội với những video phát ngôn và hành động khác người như đập phá và tự đốt xe máy… Tương tự, “chuyên gia” dạy kiếm tiền online Bùi Xuân Huấn (Huấn “hoa hồng”) từng bị xử phạt vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực, bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng. Gần đây, một cái tên khác là Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, Hưng troll) cũng liên tiếp bị xử phạt hành chính về những video phản cảm trên Youtube như nấu cháo gà nguyên lông hay dạy cách trộm tiền heo đất… Và còn vô số video nhảm nhí tương tự trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Vấn đề là những clip giật gân kích động như vậy luôn thu hút được rất đông lượt người xem, lượt like, lượt chia sẻ, trong đó đa phần là giới trẻ. Thật đáng lo ngại khi không ít người trong số đó cổ súy cho những hành vi phản cảm, thách thức thêm những chiêu trò để các chủ kênh nối dài sự nhảm nhí của mình…, thậm chí nhiều bạn trẻ còn thần tượng “giang hồ mạng” như những người hùng. Câu chuyện chắc chắn sẽ càng trở nên khó lường hơn khi tới đây học sinh được nới lỏng việc sử dụng điện thoại trong trường học…
Phạt tiền là chưa đủ
Trước phản ánh của báo chí và dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy việc kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng xã hội cần những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng. Theo dõi vấn đề có thể thấy rõ thời gian qua, tình trạng người sử dụng mạng xã hội tự sản xuất các video để đăng tải trên trang cá nhân nhằm câu view (lượt xem), like (yêu thích), từ đó thu về các khoản lợi nhuận từ quảng cáo đang trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi như YouTube, Facebook, Twitter...
Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như người sử dụng mạng xã hội. Theo số liệu YouTube cung cấp, Việt Nam là một trong những quốc gia phát tán nhiều nội dung xấu độc hơn so với các thị trường khác. Thời gian qua, theo yêu cầu của Việt Nam, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 8-2019 Facebook đã gỡ 70% thông tin xấu độc, Google gỡ và chặn 7.478 video clip vi phạm trên YouTube, xóa 18 kênh YouTube.
Người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo và có chọn lọc.
Riêng trong quý II-2020 có tới hơn 222.000 video đã bị gỡ bỏ. Mặc dù vậy, số video có nội dung phản cảm, nhảm nhí vẫn tiếp tục gia tăng. Ðiều này cho thấy chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cũng như các chế tài đủ mạnh khiến những nhà sản xuất video clip xấu độc trên nền tảng số phải biết “chùn tay”, e ngại.
Ðối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng, việc bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) không phải là mối bận tâm lớn khi mà thực tế họ có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng từ tiền quảng cáo.
Một số chủ tài khoản sẵn sàng chịu án phạt để rồi tiếp tục đưa các nội dung thiếu lành mạnh lên mạng nhằm trục lợi. Ở góc độ xử lý hình sự, thì hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 1 năm đến 3 năm (khoản 2, điểm e, Ðiều 156, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017). Tuy nhiên, nhiều tài khoản trên mạng xã hội hiện nay là khai báo giả mạo, vì thế việc truy tìm đối tượng phạm tội cũng đặt ra không ít khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Như vậy, không chỉ phạt tiền đối với các vi phạm này mà cần các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp các nền tảng mạng xã hội rà soát, bổ sung các quy định như cắt tiền quảng cáo, “treo” hoạt động hoặc “đóng cửa” kênh tùy theo các mức độ vi phạm.
Việc làm này không còn mới mẻ đối với các nước trên thế giới, họ đã có những biện pháp mạnh tay đối với các mạng xã hội vi phạm quy định hoạt động. Họ sẵn sàng cấm hoạt động vĩnh viễn, nếu phát hiện sự dung túng cho các nội dung xấu, kích động bạo lực, thù hận…
Thế nhưng, liệu pháp quan trọng nhất thì người dùng mạng xã hội phải là những người thông thái, chủ động. Phải biết nói “không” với những video xấu độc, dù việc này không hề dễ dàng. Với các bậc phụ huynh, mỗi người cũng cần quan tâm quản lý, hướng dẫn, giáo dục con em mình khi tham gia mạng xã hội, để mạng xã hội mở ra bầu trời tri thức và không gian giải trí tích cực cho các em, đúng như ý nghĩa của Internet và mạng xã hội buổi sơ khai.
Quang Anh