Phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, gắn kết thế giới thực và thế giới số

14:39, 26/01/2024

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Định hướng “make in Viet Nam”

Quan điểm được nêu ra trong Quyết định số 36/QĐ-TTg là hạ tầng thông tin và truyền thông được ưu tiên phát triển theo định hướng “Make in Viet Nam”, sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia. Hạ tầng thông tin và truyền thông phải đáp ứng việc tạo lập, truyền tải, lưu trữ, xử lý, chia sẻ dữ liệu số an toàn, tin cậy, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, góp phần tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh.

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ dùng chung, tích hợp quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia, kế thừa hợp lý hạ tầng thông tin và truyền thông đã được đầu tư phát triển, gắn kết chặt chẽ với các hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý và tạo ra các thực thể số tương ứng trên không gian số.

Ảnh: minh họa.

Trong đó, đối với mạng bưu chính, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu phát triển đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số.

Quy hoạch mạng bưu chính phải có tính dự phòng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gẫy trong mọi trường hợp khẩn cấp. Đến năm 2025, hình thành mạng bưu chính công cộng cấp quốc gia gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực và Trung tâm Bưu chính vùng; kết nối các Trung tâm Bưu chính khu vực và giữa các Trung tâm Bưu chính khu vực đến Trung tâm Bưu chính vùng; chú trọng thúc đẩy, định hướng chia sẻ hạ tầng mạng bưu chính công cộng với các doanh nghiệp bưu chính; tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày.

Hình thành 3 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày; phạm vi phục vụ bình quân 350km. Hình thành 14 Trung tâm Bưu chính vùng trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày; phạm vi phục vụ bình quân 115km.

Đến năm 2030, xây dựng 3 - 5 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước; năng lực khai thác bình quân của Trung tâm Bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày. Căn cứ theo nhu cầu phát triển, xây dựng mới các Trung tâm Bưu chính vùng theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng cấp từ 1 - 2 Trung tâm Bưu chính vùng trở thành Trung tâm Bưu chính khu vực. Các Trung tâm Bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

Tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng thông tin và truyền thông phải bảo đảm tăng cường thông minh dựa trên dữ liệu và các công nghệ mới; xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin và truyền thông phải bao phủ, kết nối đa tầng không gian (mặt nước, lòng nước, mặt đất, lòng đất, vùng trời) và đa chiều giữa các tầng. Đặc biệ, hợp nhất an toàn toàn bộ thế giới vật lý với thế giới số nhằm thích ứng trước mọi biến động phức tạp, khẩn cấp; mở rộng không gian hoạt động, đáp ứng phát triển bền vững mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.

Phát triển mạng bưu chính

Phương án phát triển mạng bưu chính là Quy hoạch mạng bưu chính công cộng cấp quốc gia gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực và các Trung tâm Bưu chính vùng; Quy hoạch mạng bưu chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm bán kính phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tối đa 3 km/điểm phục vụ; 100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ.

Trung tâm Bưu chính khu vực phải được quy hoạch tại 3 miền Bắc, Trung và Nam. Trung tâm Bưu chính khu vực phải có vị trí thuận tiện về giao thông, khoảng cách tới tỉnh trung tâm vùng phục vụ không quá 15 km, khoảng cách đến sân bay, cảng biển dưới 100 km; bảo đảm tối ưu về chi phí và khoảng cách vận chuyển với các Trung tâm Bưu chính vùng. Trung tâm Bưu chính khu vực phục vụ hoạt động bưu chính và các hoạt động hậu cần cho thương mại điện tử; được chia sẻ để các doanh nghiệp bưu chính cùng khai thác, sử dụng trên cơ sở thương mại, không phân biệt đối xử.

Trung tâm Bưu chính vùng phải có vị trí thuận tiện về giao thông, kết nối dạng nan hoa với Trung tâm Bưu chính cấp tỉnh trong vùng và các Trung tâm Bưu chính vùng khác. Vị trí đặt Trung tâm Bưu chính vùng bảo đảm tối ưu về chi phí và khoảng cách vận chuyển tới các Trung tâm Bưu chính tỉnh và các bưu cục, điểm phục vụ.

Vai trò của Trung tâm Bưu chính vùng là kết nối trực tiếp với Trung tâm Bưu chính khu vực, kết nối dạng nan hoa với Trung tâm Bưu chính tỉnh và các Trung tâm Bưu chính vùng khác. Trung tâm Bưu chính vùng 1 đặt tại Phú Thọ, vùng 2 đặt tại Sơn La, vùng 3 đặt tại Thái Nguyên, vùng 4 đặt tại Hải Dương, vùng 5 đặt tại Bắc Giang, vùng 6 đặt tại Hải Phòng, vùng 7 đặt tại Nam Định, vùng 8 đặt tại Nghệ An, vùng 9 đặt tại Khánh Hòa, vùng 10 đặt tại Đắk Lắk, vùng 11 đặt tại Bình Dương, vùng 12 đặt tại Đồng Nai, vùng 13 đặt tại Tiền Giang, vùng 14 đặt tại TP. Cần Thơ và Trung tâm Bưu chính khu vực miền Trung đặt tại TP. Đà Nẵng.

Quy hoạch mạng bưu chính KT1 (bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước) hiện đại hóa, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh; đảm bảo triển khai phương án chuyển phát trong tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Mạng bưu chính TK1 phải được quy hoạch 3 Trung tâm miền tại miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (TP. Hồ Chí Minh). Mạng được thiết lập và kết nối với mạng bưu chính công cộng để duy trì hoạt động chấp nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/phat-trien-mang-buu-chinh-dong-bo-hien-dai-gan-ket-the-gioi-thuc-va-the-gioi-so)