Phát triển nguồn nhân lực ngành thương mại điện tử
Những năm gần đây, thương mại điện tử là một trong trong những ngành học mang tính xu hướng cùng cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng. Cùng với việc đào tạo tại các trường đại học, công tác phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử tại các địa phương cũng được chỉ đạo sát sao.
Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chỉ 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp TMĐT hiện nay được đào tạo chính quy về TMĐT; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về TMĐT là rất lớn.
Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, số lượng trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500; trong đó, 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, trên 50 trường đào tạo học phần TMĐT. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đề ra 2 mục tiêu tới năm 2025 là có 50% cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT và 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT...
Năm 2024, theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại, ngành TMĐT được đào tạo theo chương trình chuẩn. nhà trường dự kiến tuyển 220 chỉ tiêu cho ngành này trong năm nay.
Trong khi đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành TMĐT (Cơ sở phía Bắc) theo chương trình đại trà. Còn tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngành TMĐT dự kiến tuyển 60 chỉ tiêu với chương trình học bằng tiếng Việt. Nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế dự kiến tuyển 200 chỉ tiêu cho ngành TMĐT. Tại Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM, ngành TMĐT thuộc hệ đào tạo chính quy và tuyển 140 chỉ tiêu vào năm 2024, trong khi đó, Trường Đại học Văn Lang dự kiến tuyển 270 chỉ tiêu.
Tập huấn về TMĐT đến từng địa phương
Xác định công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT không chỉ dành cho đối tượng sinh viên tại các trường đại học nà còn cần quan tâm đến đối tượng giảng viên ngành TMĐT, năm 2023, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Chương trình tập huấn về TMĐT và kinh tế số, gồm 03 buổi, tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, dành cho giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo về TMĐT trong cả nước.
Chương trình nhằm mục tiêu giúp các giảng viên cập nhật các chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ liên quan tới đào tạo TMĐT, hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho sinh viên. Qua đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, đóng góp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế số, TMĐT và đào tạo TMĐT.
Cùng với việc đào tạo tại các trường đại học, công tác phát triển nguồn nhân lực về TMĐT tại các địa phương cũng được chỉ đạo sát sao. Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn, trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên hàng đầu.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cập nhật những chính sách mới về TMĐT cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) thường xuyên phối hợp với các Sở, các sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba triển khai hàng loạt chương trình kết nối TMĐT kết hợp đào tạo, tập huấn TMĐT tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chương trình này đã thu hút được số lượng lớn đại biểu (Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các cơ sở đào tạo…) tham dự và được đánh giá tích cực về nội dung, đa dạng về hình thức...
Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023, Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã có cuộc khảo sát tại 238 cơ sở giáo dục đại học (không thuộc khối Quốc phòng – An ninh, Nghệ thuật hoặc đặc thù) cho thấy đã có 47% trường đào tạo học phần TMĐT, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành TMĐT với mã ngành 7340122. Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và TMĐT, cùng các tổ chức và doanh nghiệp, thì mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo TMĐT là khả thi.
Điều đó sẽ tạo đà cho mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 (có 70% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đào tạo chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực TMĐT và 1.000.000 lượt học viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT) ngày càng triển vọng hơn.