Phát triển phương tiện giao thông điện trở thành ưu tiên hàng đầu để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Trong bối cảnh ngành giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam, chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng điện đang trở thành một chiến lược quan trọng.
Tình hình phát thải và nhu cầu chuyển đổi
Theo GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, giao thông vận tải (GTVT) là một trong những ngành phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, với gần 95% nhu cầu năng lượng đến từ nguồn này, dẫn đến việc ngành GTVT trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Theo số liệu năm 2021, ngành này chiếm tới gần 24% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, năm 2020, ngành GTVT chiếm khoảng 18% tổng lượng khí nhà kính, tương đương với 45,5 triệu tấn CO2 và dự báo sẽ tăng lên đến 89,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Trinh
Với mục tiêu giảm phát thải và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, phát triển phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) đã trở thành một ưu tiên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự triển khai các chiến lược và chính sách cụ thể. Một trong những biện pháp quan trọng là Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc phát triển PTGTĐ.
Cũng theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Việt Nam hiện là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển PTGTĐ. Trên 40% các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đã có nhu cầu hoặc kế hoạch chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện. Tuy nhiên, mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, với tỷ lệ xe điện trên trạm sạc tại Việt Nam là 9,44:1. Tuy nhiên vẫn còn những rào cản nhất định như người tiêu dùng vẫn lo ngại về giá thành cao của xe điện, tuổi thọ pin và sự hạn chế của mạng lưới trạm sạc. Đối với các doanh nghiệp, chi phí đầu tư lớn và hạ tầng hỗ trợ chưa đủ mạnh cũng là những rào cản lớn.
Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều thách thức, bao gồm giá thành xe điện cao và lo ngại về pin và trạm sạc. Đối với doanh nghiệp vận tải, chi phí đầu tư lớn và cần đầu tư hạ tầng hỗ trợ. Nhóm tư vấn do GS.TS Lê Anh Tuấn dẫn đầu đã phát triển ba kịch bản phát triển phương tiện giao thông điện bao gồm: Kịch bản BAU: Phát triển theo hướng phát thải thông thường của ngành GTVT; Kịch bản quốc gia tự thực hiện (NLTN): Giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước; Kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng "0" (PTR0): Kịch bản có sự hỗ trợ quốc tế.
Dự báo theo kịch bản NLTN, đến năm 2050, số lượng xe buýt và xe khách điện sẽ đạt gần 90.000 chiếc. Trong khi đó, với kịch bản PTR0, con số này có thể vượt 300.000 chiếc. Tương tự, các loại xe khác như xe máy, ô tô con và xe tải cũng sẽ tăng trưởng mạnh nếu theo kịch bản PTR0. Dự báo đến năm 2050, số lượng trạm sạc cho ô tô, xe khách và xe tải có thể đạt hơn 1,5 triệu trạm. Kịch bản PTR0 cũng cho thấy phát thải khí nhà kính từ đường bộ có thể giảm gần 5,9% mỗi năm từ 2025 đến 2050.
Triển vọng phát triển PTGTĐ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố đã đặt mục tiêu chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2035. Hà Nội hiện có 1.905 xe buýt trợ giá, trong đó 281 xe sử dụng năng lượng sạch. Đến năm 2030, thành phố dự kiến có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh. Các kịch bản chuyển đổi xe buýt tại Hà Nội bao gồm kịch bản 100% xe buýt điện, 70% xe buýt điện và 30% xe buýt LNG/CNG, và 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG.
Về phía ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 120 tuyến xe buýt và đang đặt mục tiêu tăng số tuyến lên 190 vào năm 2025 và 260 vào năm 2030. Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh. Chính sách chuyển đổi bao gồm hỗ trợ lãi suất vay cho xe buýt và trạm sạc điện, cùng với việc đầu tư vào hạ tầng trạm sạc.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge đã chỉ ra rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao về phương tiện giao thông đường bộ, với dự báo số lượng xe điện sẽ đạt 1 triệu xe vào năm 2028 và 3,5 triệu xe vào năm 2040. Để đáp ứng nhu cầu này, dự kiến đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc, với mục tiêu đạt 2.000 trạm vào năm 2030. Các khó khăn hiện tại bao gồm chi phí đầu tư lớn và khung pháp lý chưa đầy đủ.
Trước những mục tiêu nhiều thách thức trên, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Trần Hoài Anh đã chia sẻ rằng Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các chính sách và quy chuẩn kỹ thuật để phát triển hạ tầng giao thông đô thị xanh, bao gồm các trạm sạc xe điện. Quy hoạch chung của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ bao gồm các nội dung liên quan đến phát triển công trình xanh và phương tiện sử dụng điện.
“Sau khi có quy hoạch chung, sẽ triển khai quy hoạch phân khu đô thị rồi mới triển khai được các dự án. Tuy nhiên riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có đặc thù là được lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị riêng, trong đó có quy hoạch về giao thông đô thị. Các thành phố này hoàn toàn có thể chủ động lập quy hoạch giao thông đô thị, trong đó bao gồm thông tin liên quan đến mạng lưới trạm sạc. Từ đó có thể triển khai các dự án luôn mà không cần quy hoạch phân khu”, ông Trần Hoài Anh cho biết.
Các chuyên gia trao đổi về phát triển xanh ngành GTVT.
Các chuyên gia đồng thuận rằng việc chuyển đổi sang PTGTĐ là một bước quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam vào năm 2050. Tuy nhiên, việc triển khai cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách và nguồn lực tài chính.