Phiến quân IS là “tổ chức khủng bố giàu nhất lịch sử”

08:49, 14/09/2014

Bất chấp sự đe dọa của Anh, Mỹ và các nước trong khối NATO, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn lớn mạnh từng ngày, cả về số tay súng lẫn tiền tài.

Hiện có trên 30.000 tay súng

Dẫn lời người phát ngôn Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), CNN ngày 12/9 cho biết, lực lượng Hồi giáo IS tại Iraq và Syria hiện có 20.000 - 31.500 tay súng đang hoạt động, gồm 2.000 người đến từ các nước phương Tây, nhiều gấp 3 lần con số ước tính trước đó, trang TPO cho biết.

 

Một tay súng của tổ chức IS.

Đánh giá này của CIA dựa trên việc nghiên cứu thông tin tình báo thu thập được từ tháng 5 đến tháng 8. Theo một quan chức Mỹ, trong lúc ráo riết nghiên cứu các mục tiêu tại Syria, quân đội Mỹ vẫn đang thực hiện khoảng 60 chuyến bay trinh sát và cảnh giới hằng ngày tại Iraq nhằm đánh giá tốt hơn các mục tiêu.

Ông Ryan Trapani, phát ngôn viên CIA cho biết, số chiến binh IS được ước tính lại cũng phản ánh những hoạt động rộng lớn hơn trên chiến trường cũng như các hoạt động tình báo. Theo CNN, hơn 15.000 chiến binh từ 80 quốc gia khắp thế giới, kể cả 2.000 người đến từ các nước phương Tây, đã tới Syria để gia nhập IS. Ước tính trên phản ánh việc IS tăng cường tuyển mộ thành viên mới kể từ tháng 6, sau khi nhóm khủng bố chiếm được nhiều khu vực ở Iraq và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo.

IS kiếm hàng triệu USD mỗi ngày

Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang nắm trong tay rất nhiều mỏ dầu mà nhóm vũ trang này đã cướp được từ tay chính phủ Iraq trong cuộc "thánh chiến" đẫm máu mà họ đang phát động. Thế nên, việc IS làm giàu từ các mỏ dầu cướp được và trở thành “tổ chức khủng bố” giàu có nhất trong lịch sử là một sự thật, tờ Lao động cho hay.

Số “dầu mỏ cướp được” này sẽ được chở từ Iraq qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó được tiêu thụ trên thị trường chợ đen ở nước này. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ, gần như không làm gì để ngăn cản tiến trình này với lời biện minh rằng "lực lượng kiểm soát biên giới quá mỏng". Dù biết rõ tuyến đường mà IS vận chuyển và tiêu thụ dầu cướp được, nhưng Mỹ vẫn đang "bó tay", không thể ngăn cản.

Theo New York Times, dẫn lời của một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhà trắng, Tổng thống Obama đã điện đàm với ông Tayyip Erdogan - người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề trên, nhưng nó khá nhạy cảm. Và quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là "tự quyết" chứ Mỹ không muốn gây sức ép.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối ký vào cam kết chống lại IS tại Ả-rập Xê-út mới đây. Bởi, hiện có tới 49 nhân viên ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị tổ chức IS bắt làm con tin và họ không muốn mạo hiểm tính mạng của những người này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các vùng đất mà tổ chức IS đang kiểm soát tại Iraq có thể tạo ra sản lượng từ 25.000 - 40.000 thùng dầu mỗi ngày, và có thể thu về 1,2 triệu USD/ngày từ chợ đen. Thậm chí nhiều chuyên gia còn khẳng định, con số Í thu về có thể lên tới 3 triệu USD/ngày.

Quả là một con số khủng!

Thanh Trà (tổng hợp)