Phổ cập tri thức, kỹ năng số cho toàn dân: Nhiệm vụ cấp bách trong Kỷ nguyên số
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ chuyển đổi số một cách sâu, rộng như hiện nay, phong trào “Bình dân học vụ số” do Chính phủ phát động sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An nhận định, phổ cập tri thức, kỹ năng số cho toàn dân hay còn gọi là “Bình dân học vụ số” là việc làm rất cần thiết và cấp bách trong kỷ nguyên số của Việt Nam.
“Tôi đánh giá rất cao phong trào “Bình dân học vụ số” mà Chính phủ phát động, nhất là trong thời điểm cách mạng 4.0 đang rất rầm rộ trên toàn cầu”.
Thời gian qua, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các bộ ngành, địa phương, lĩnh vực và đã thu được những con số tích cực. Chuyển đổi số đã giúp minh bạch các hoạt động của chính quyền, minh bạch xã hội.
Tuy nhiên, để người dân có thể tham gia vào công cuộc chuyển đổi số và thực hiện giám sát xã hội thì họ phải am hiểu công nghệ số”, bà An nhấn mạnh.
Theo bà An, hiện nay, các nước trên thế giới và cả Việt Nam đều quản trị tất cả mọi lĩnh vực bằng công nghệ, bằng AI. Việc phổ cập tri thức, kỹ năng số sẽ giảm thiểu được rất nhiều thủ tục hành chính khi người dân, doanh nghiệp chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính là có thể thực hiện được rất nhiều công việc.
Và, khi áp dụng thuần thục công nghệ số thì các cơ quan chức năng cũng sẽ tiết giảm được các nhân sự dư thừa theo đúng tinh thần sắp xếp, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An khẳng định, nhiều người nói rằng máy móc sẽ thay thế được hoàn toàn con người. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn chính xác. Bởi nếu con người không am hiểu khoa học, công nghệ, không có kỹ năng, tri thức để điều khiển, ra lệnh cho AI thì làm sao máy móc có thể thực hành chính xác được.
Bà An tin tưởng rằng, phòng trào “Bình dân học vụ số” chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều và thực sự thiết thực cho Kỷ nguyên số, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước đó, chiều 26/3, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ban Tuyên giáo & Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và đại diện nhiều đơn vị liên quan chính thức phát động phong trào "Bình dân học vụ số".
Theo đó, hoạt động này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhận thức lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Chính vì vậy, không thể không có phong trào “Bình dân học vụ số”. “Có bình dân học vụ số mới có công dân số toàn diện, mới có được quốc gia số, xã hội số. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng và tính nhân văn sâu sắc của phong trào”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, bước vào kỷ nguyên mới muốn thành công thì phải cần đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Muốn có được điều đó, phải có bình dân học vụ số, tức xóa mù chữ về chuyển đổi số. Bình dân học vụ đang tạo động lực, truyền cảm hứng cho dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Đội hình tình nguyện hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng. Ảnh: Internet.
Trước đó, nói về phong trào “Bình dân học vụ số” với tinh thần rộng mở, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nói, đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai.
Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.
Hưởng ứng phòng trao Bình dân học vụ số do Chính phủ phát động, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 200 bạn trẻ trong đội hình "Chuyển đổi số cộng đồng" của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đến từng nhà dân để hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng số thiết yếu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ngụ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những người dân được Đội hình Chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn hỗ trợ về công nghệ số. Cụ thể, bà Loan được hướng dẫn cài, truy cập, VNeid, ứng dụng công dân số Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà Loan, việc cài các ứng dụng này trên máy điện thoại thông tin rất tiện dụng. Giờ đây ra đường, bà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là có thể thay thế các loại giấy tờ khác.
“Trước đây điện thoại thông minh của tôi chủ yếu là nghe gọi, đọc tin nhắn, thỉnh thoảng đọc báo. Nếu không có các bạn trẻ hướng dẫn, chắc chắn tôi cũng không nắm bắt được công nghệ. Tôi đã xin số của các bạn rồi, sau này bất cứ vấn đề gì liên quan đến công nghệ số, tôi sẽ gọi điện cho các bạn xin tư vấn”, bà Loan chia sẻ.