Bồi dưỡng kỹ năng số cho nhà giáo: Rút ngắn khoảng cách bằng tự học
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đem lại điều mới mẻ cho giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên đã chủ động tìm kiếm các khóa học và tự trang bị cho mình những kỹ năng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Giờ học phân môn Lịch sử của học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện M’Drắk, Đắk Lắk). Ảnh: NVCC
Khóa học tiếp thêm động lực đổi mới
Cô Trần Thị Hà - Trường THCS Nguyễn Trãi (M’Drắk, Đắk Lắk) vừa giành giải Nhất bộ môn Lịch sử và giải Ba toàn huyện trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi do Phòng GD&ĐT M’Drắk tổ chức. Trước đó, năm học 2023 - 2024, cô Hà đoạt giải Ba cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Cô Hà nhận xét, kết quả này là bước chuyển dài so với trước đây của bản thân.
“Trước thời điểm năm 2022, tôi chỉ soạn bài giảng PowerPoint ở mức đơn giản. Vì có tài khoản ở trang ViOLET nên tôi lên đó tìm kiếm những bài giảng PowerPoint có sẵn rồi tải về, chỉnh sửa lại một vài nội dung cho phù hợp với bài dạy của mình”, cô Hà chia sẻ.
Từ chỗ “sao chép” bài giảng PowerPoint, sau một số khóa học về thiết kế giáo án điện tử, cô Trần Thị Hà có thể tự thiết kế bài giảng điện tử, xây dựng những đoạn phim hoạt hình ngắn để phục vụ cho các tiết dạy, sử dụng phần mềm như Plicker, Classpoint, Canva, QR Code… làm mới bài giảng.
Động lực để một giáo viên đang dạy học ở vùng khó tự cập nhật công nghệ thông tin, theo cô Trần Thị Hà là “khi xem bài giảng điện tử, cách tổ chức dạy học thông qua trò chơi… ở các diễn đàn dạy học, tôi thấy mê quá.
Hình dung nếu làm được như vậy, các tiết dạy chắc chắn sẽ không còn đơn điệu, học sinh thêm hứng thú học tập. Trong khi đó, nếu sử dụng những bài giảng PowerPoint được thiết kế sẵn như trước giờ, nếu muốn thêm một vài ý tưởng vào cũng khó, dù không hài lòng đành chấp nhận”.
Trích một phần lương tháng để đóng học phí, năm 2022, cô Trần Thị Hà đăng ký khóa học Dạy học tích cực. Học trực tuyến rồi quyết tâm thu xếp thời gian vào TP Hồ Chí Minh học trực tiếp, cô Hà còn tham gia một số khóa học online sau đó để làm chủ các công nghệ phục vụ dạy học. Những “đầu tư nâng cấp bản thân” từ các khóa học này đã giúp cô giữ lại tình yêu, sự nhiệt huyết với nghề, để mỗi ngày đến trường đều là ngày vui cho cả cô và trò.
Để làm mới bản thân, tháng 11/2022, cô Nguyễn Thị Kiều Diễm - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Chu Văn An (Quảng Ngãi) bỏ ra một khoản tiền (lúc ấy không nhỏ) để đăng ký khóa học Dạy học tích cực.
“Một mình đi tàu 3 giờ sáng ra Đà Nẵng trong những ngày mưa lớn, 6 giờ sáng bước chân xuống ga, nước ngập cao phải chờ hơn 1 tiếng mới bắt được taxi về điểm học, tôi ngồi trên taxi, tài xế vòng đủ đường để tránh nước ngập, khoảng cách từ ga Đà Nẵng đến điểm học chỉ tầm 40 nghìn đồng tính theo app mà phải đi vòng mất gần 200 nghìn đồng mới tới.
Tôi bắt đầu mông lung suy nghĩ, bản thân có điên quá không? Nhưng khi bước đến khán phòng nơi diễn ra khóa học, tôi gặp thầy, cô giáo từ các tỉnh lân cận và Đà Nẵng, họ cũng tay mang balo, quần áo ướt nhẹp… háo hức chờ đợi. Tôi bắt đầu cộng hưởng không khí ấy và như được tiếp thêm động lực.
Từ khóa học này, tôi biết đến khóa online như thiết kế giáo án Thân - Tâm - Trí, công cụ dạy học... Tôi lại tiếp tục học các khóa học online, giới thiệu thêm bạn bè cùng học, trao đổi những phương pháp hay, cùng thực hành”, nữ nhà giáo chia sẻ.
Các thầy cô cùng trao đổi về hiệu quả tổ chức trò chơi trong giờ học của một nhóm giáo viên dạy học sáng tạo. Ảnh: NVCC
Tiếp sức từ cộng đồng giáo viên đổi mới sáng tạo
Cũng như nhiều giáo viên vùng khó, với thầy Nguyễn Thanh Bão - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam), việc tự cập nhật để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học gần như phụ thuộc vào nỗ lực của từng người.
“Có khóa học thì miễn phí, khóa học thu phí tượng trưng, nên học hay không là sự tự nguyện và người học phải tự đặt mục tiêu cho mình. Nếu mỗi giáo viên không tự đặt kỷ luật cho bản thân trong cập nhật kỹ năng số thì khó đạt hiệu quả mong muốn”, thầy Bão cho hay và tự nhận rằng, chỉ dừng lại trong khoảng 2 - 3 năm không “nâng cấp” ứng dụng công nghệ thông tin thì kỹ thuật soạn bài giảng điện tử đã bị lạc hậu rất nhiều.
Mở nhiều khóa học online như E-learning chuyên sâu, soạn giảng online 4.0…, cô Phạm Thị Ái Vân - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét, nhiều thầy, cô giáo có ý tưởng trong thiết kế giáo án điện tử nhưng do không thành thạo công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm… đã hạn chế phần nào hiệu quả bài dạy.
Nhiều giáo viên, từ chỗ không thành thạo công nghệ, được truyền cảm hứng từ các khóa học soạn giảng hiện đại của cô Ái Vân đã đoạt giải cao trong cuộc thi Thiết kế giáo án điện tử các cấp; triển khai thành công mô hình dạy - học theo dự án…
Thầy Bão, cô Hà đều nhận xét chính cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo đã truyền thêm động lực, nguồn cảm hứng cho nhiều giáo viên vùng khó nỗ lực hơn trong việc tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
“Nhờ những khóa học trực tuyến từ cộng đồng giáo viên giới thiệu, tôi biết nhiều thầy cô là những tấm gương tự học để không bị thụt lùi trong chuyên môn. Đây là động lực để tôi làm mới tiết dạy của mình, chọn lọc phương pháp dạy học mới mẻ, hiện đại một cách chọn lọc để phù hợp điều kiện dạy - học thực tế tại trường”, thầy Bão chia sẻ.
“Học trò sẽ quên nhanh những kiến thức mà thầy, cô giáo truyền đạt nếu các em không có điều kiện vận dụng vào cuộc sống nhưng sẽ nhớ mãi cảm xúc mà người thầy mang lại. Cùng với thực hiện Chương trình GDPT 2018, những giáo viên như tôi còn ứng dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, giúp học sinh giỏi về học vấn, phát triển kỹ năng sống, cảm xúc và sức khỏe tốt, từ đó trở thành cá nhân cân bằng và thành công trong cuộc sống”. - Cô Mai Thị Thu Hà - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) |