Phụ huynh Hà Nội mất 20 tỷ đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử

08:28, 23/09/2020

Ước tính mỗi tháng phụ huynh bậc tiểu học Hà Nội phải bỏ ra trên 20 tỷ đồng để nhận được tin nhắn SMS hàng ngày về tình hình học của con tại trường.

Gây khó dễ với phụ huynh không đăng ký

Vào đầu năm học mới không ít phụ huynh bậc tiểu học tại Hà Nội phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhà trường gửi đăng ký tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử, nhưng thực chất chỉ là những tin nhắn điện thoại SMS không dấu.

Đáng chú ý, có phụ huynh không đăng ký tham gia thì bị giáo viên gây khó bằng cách không thông tin cho phụ huynh về tình hình học tập của con tại trường chỉ vì phụ huynh không đóng 30.000 đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một tháng, một phụ huynh Hà Nội phải bỏ ra khoảng 30.000 đồng để được nhận từ 20-25 tin nhắn điện thoại SMS không dấu về tình hình học tập của con tại trường.

Chia sẻ với phóng viên, không chỉ phụ huynh mà giáo viên trực tiếp phải làm công việc vào cuối ngày là nhắn tin cho phụ huynh cũng phải lắc đầu ngao ngán vì dịch vụ sổ liên lạc điện tử không cần thiết và chỉ lãng phí.

Một giáo viên tiểu học tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, sổ liên lạc điện tử đang lừa dối phụ huynh vì thực chất chỉ là những tin nhắn điện thoại SMS. Tham gia sổ liên lạc điện tử chỉ có lợi cho lãnh đạo nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tìm hiểu của phóng viên, mỗi tin nhắn điện thoại SMS của những nhà mạng phổ biến hiện nay có cước phí giao động từ 200 – 350 đồng (tùy thuộc vào tin nhắn nội mạng hay ngoại mạng).

Với số tin nhắn phụ huynh nhận hàng tháng từ 22-25 tin nhắn thì mức tiền tối đa họ phải trả nhà mạng từ 5.000 đồng – 8.750 đồng (theo mức cước phí ngoại mạng).

Trên đây là mức cước phí thông thường áp dụng cho khách hàng cá nhân nên có mức phí cao như vậy. Còn đối với những đơn vị kinh doanh dịch vụ tin nhắn SMS như sổ liên lạc điện tử còn được nhà mạng dành cho mức giá vô cùng hấp dẫn.

Trong trường hợp nhắn tin cho hàng loạt số thuê bao cùng một nội dung thì mức cước phí tin nhắn SMS sẽ có chi phí chưa đến 100 đồng/tin nhắn. Như vậy, với chi phí này, số tiền phải bỏ ra tối đa 2.000 đến 3.500 đồng/tháng, thậm chí còn thấp hơn nữa.

Tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), phụ huynh cũng tham gia sổ liên lạc điện tử mức phí 30.000 đồng/tháng.

Lợi nhuận kếch xù lấy từ túi phụ huynh

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020-2021, riêng khối 1 có 167.113 em (tăng 9.565 em).

Giả định bình quân các khối 3, khối 4, khối 5 sĩ số khoảng 150.000 học sinh thì con số khối tiểu học ước tính lên đến khoảng 750.000 học sinh. Nếu như số học sinh tiểu học này đều tham gia sổ liên lạc điện tử có mức phí 30.000 đồng/tháng sẽ lên đến 22,5 tỷ đồng mỗi tháng.

Như vậy, mỗi tháng hiện nay phụ huynh bậc tiểu học Hà Nội nếu 100% tham gia sổ liên lạc điện tử sẽ phải chi trả số tiền 22,5 tỷ đồng. Con số này sẽ mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho đơn vị cung cấp và cũng không ít cho lãnh đạo nhà trường.

Bởi theo tiết lộ của một đơn vị cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử sẽ lại quả từ 20-25% cho ban giám hiệu nhà trường. Đây có thể là lý do tại sao nhiều trường học tại Hà Nội lại tích cực triển khai dịch vụ này như vậy.

Trong khi đó, không ít phụ huynh, giáo viên cho rằng, rất nhiều mạng xã hội hiện nay đáp ứng tốt tính tương tác giữa phụ huynh, giáo viên mà hoàn toàn miễn phí, nhưng nhà trường lại không mấy mặn mà.

Một tin nhắn điện thoại SMS như thế này của nhà mạng chỉ có giá 200-350 đồng. Ảnh: NVCC.

Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Quan Hoa (Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước việc phụ huynh không đăng ký “Sổ liên lạc điện tử ONEDU” bị gây khó dễ.

Cụ thể, theo phụ huynh này, nói là sổ liên lạc điện tử nhưng thực chất chỉ là tin nhắn điện thoại SMS một chiều từ giáo viên đến phụ huynh mà không có sự tương tác ngược lại.

Phụ huynh cũng gửi phóng viên phiếu đăng ký “Sổ liên lạc điện tử ONEDU” được in sẵn của nhà cung cấp gửi đến phụ huynh thông qua giáo viên chủ nhiệm.

Mức phí sử dụng 30.000 đồng/tháng, thu làm hai đợt vào kỳ 1 thu 4 tháng, kỳ 2 thu 5 tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Sổ liên lạc điện tử ONEDU được Trường Tiểu học Quan Hoa và nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay sử dụng của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động.

Còn thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động được thành lập ngày 16/08/2011. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Việt Hải Quang.

Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động có địa chỉ trụ sở chính tại số 26 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động có ngành nghề chính là Quảng cáo (không bao gồm quảng cáo thuốc lá).

Ngày 22/9, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy thông tin, Sổ liên lạc điện tử ONEDU sẽ triển khai hết tháng 9.

Học sinh Hà Nội sẽ sử dụng phần mềm sổ liên lạc điện tử khác theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Còn theo thông tin phóng viên tìm hiểu, Hà Nội sẽ triển khai phần mềm có tên eNetViet và sẽ triển khai rộng bắt đầu từ tháng 10.

Trên trang website của phần mềm này giới thiệu được thiết kế và xây dựng nhằm tạo nên một cộng đồng giáo dục gắn kết giữa nhà quản lý (cán bộ Sở/ Phòng Giáo dục, Nhà trường) với Giáo viên và Phụ huynh nhằm mang lại lợi ích cuối cùng cho Học sinh tất cả các cấp.

Theo Vũ Phương/giaoduc.net.vn