Phụ nữ Việt Nam tự tin khởi nghiệp, nâng tầm vị thế trong thời đại mới
Mỗi sáng kiến, mỗi bước đi của phụ nữ Việt Nam đều chứa đựng khát vọng vươn lên và sự cống hiến dành cho cộng đồng. Từ những ngôi làng nhỏ bé đến các thành phố lớn, phụ nữ Việt đang từng ngày khẳng định vị thế của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), phóng viên Báo điện tử Chính Phủ đã ghi lại những câu chuyện xúc động của phụ nữ Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam không chỉ là sự kiên cường, mạnh mẽ mà còn chứa đựng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, không ngừng vươn lên trước những thách thức. Họ tự tin làm chủ vận mệnh, không chỉ thay đổi cuộc sống của chính mình mà còn truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng, gia đình và toàn xã hội.
Với niềm tin vững chắc vào khả năng của mình và sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang, Vừ Thị Hà đang ngày càng tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp và sáng tạo, trở thành một biểu tượng của phụ nữ vùng cao trong thời đại mới - Ảnh: VGP/ Văn Hiền.
Tự tin làm chủ cuộc sống
Giữa những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), có một câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của cô gái trẻ Vừ Thị Hà. Cô gái người Mông luôn tin rằng, phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn có thể làm chủ cuộc sống trong thời đại mới.
Dù đã khởi nghiệp thành công với Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm nhưng điều khiến cô trăn trở nhiều hơn chính là làm sao để nhiều phụ nữ dân tộc khác cũng có thể thay đổi cuộc sống như cô đã làm.
Theo lời chia sẻ của Hà, phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng núi cao như ở Hà Giang thường bị ràng buộc bởi nhiều định kiến văn hóa và xã hội. Họ không có tiếng nói trong gia đình, chủ yếu làm nông, chăm con và chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt, đặc biệt là mù chữ tới trên 80%. Nhưng Hà luôn kiên định một điều rằng, phụ nữ ở bất cứ đâu cũng có thể thành công nếu họ có niềm tin và sự nỗ lực. Bởi lẽ, phụ nữ không chỉ là người làm nội trợ, mà có thể là những người làm chủ doanh nghiệp, làm chủ cuộc đời mình.
Khi bắt đầu con đường khởi nghiệp, cô đối mặt với rất nhiều khó khăn từ nguồn vốn, cạnh tranh thị trường cho tới đào tạo nghề cho chị em…Nhưng với niềm tin vào bản thân và khát vọng thoát nghèo, tổ hợp tác đã kiên trì tìm hướng đi cho riêng mình, tận dụng văn hóa truyền thống và sáng tạo thêm để tạo nên những sản phẩm độc đáo.
"Chỉ cần dám nghĩ, dám làm và kiên trì với mục tiêu của mình, chúng ta có thể biến ước mơ thành hiện thực, vượt qua đói nghèo và phát triển bền vững. Phụ nữ dân tộc thiểu số muốn thoát nghèo, muốn thay đổi định kiến cần phải có sự tự tin và sẵn sàng học hỏi để có thể phát triển. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ và hội nhập, việc tiếp cận với thông tin, học hỏi kỹ năng mới là điều vô cùng quan trọng", Hà bộc bạch.
Câu chuyện của Phạm Thị Phượng không chỉ đơn thuần là một hành trình khởi nghiệp thành công. Đó là câu chuyện về sự vươn lên từ bóng tối, từ những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua - Ảnh: VGP/ Văn Hiền.
Không bao giờ thiếu ý chí và nghị lực
Dẫu khiếm khuyết về hình thể nhưng chị Phạm Thị Phượng (phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) không bao giờ thiếu đi ý chí và nghị lực để khởi nghiệp, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống.
Chị Phượng chia sẻ: "Tôi sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng khi lên 2 tuổi, căn bệnh sốt dẫn đến teo cơ, khiến tôi phải sống với di chứng khuyết tật suốt đời".
Dù bị hạn chế về thể chất nhưng nhờ sự yêu thương và động viên của gia đình, chị đã mạnh mẽ bước qua những tự ti để hoàn thành chương trình học cao đẳng và trở thành dược sĩ.
Năm 2010, chị mở quầy thuốc tại địa phương, nhưng với tâm hồn luôn hướng đến những điều mới mẻ, chị quyết định khởi nghiệp thêm trong lĩnh vực trồng rau má theo phương pháp thủy canh.
Theo chị Phượng, khi nhận thấy tiềm năng từ loại cây dược liệu này, chị đã bắt tay vào xây dựng mô hình thủy canh với diện tích hơn 200m2, đầu tư lắp đặt 1.200m đường ống dẫn nước và các ao nuôi cá, tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn khép kín.
Chị Phượng không chỉ khởi nghiệp cho riêng mình mà còn mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khuyết tật khác. Chị tâm niệm rằng, phụ nữ dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua giới hạn của bản thân, làm chủ cuộc sống, nếu dám dấn thân và không ngại khó khăn. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm sạch, bền vững cho người tiêu dùng, chị còn mong muốn tạo thêm việc làm cho những người khuyết tật, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Tổ hợp tác không chỉ là một mô hình khởi nghiệp kinh tế mà còn là biểu tượng của sự vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển cộng đồng - Ảnh: VGP/ Văn Hiền.
Khát vọng đổi mới sáng tạo từ sự đoàn kết của phụ nữ ở Bá Thước
Tại thôn Lau (xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), mô hình tổ hợp tác sản xuất mây tre đan đã khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo trong lòng những người phụ nữ dân tộc Mường.
Được thành lập vào cuối năm 2021, tổ hợp tác này không chỉ mang lại cơ hội việc làm cho 55 thành viên mà còn minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện cuộc sống.
Mô hình khởi nguồn từ thực trạng khó khăn của địa phương, nơi hơn 80% lao động sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, các chị em phụ nữ đã nhận ra rằng chỉ dựa vào nghề đồng áng là không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định.
"Chúng tôi muốn tạo ra một công việc có thể mang lại thu nhập cho gia đình mà vẫn có thời gian chăm sóc con cái", chị Phạm Thị Chiến, người sáng lập tổ hợp tác cho hay.
Được trang bị những nguyên liệu dồi dào từ thiên nhiên như tre, nứa, các chị đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mở ra một hướng đi mới cho phụ nữ tại địa phương. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không hề bằng phẳng. Thiếu vốn, thiếu kiến thức và kỹ năng là những thử thách mà tổ hợp tác phải đối mặt.
"Ban đầu, chúng tôi gặp khó khăn trong việc quản lý và sản xuất. Nhưng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các lớp đào tạo nghề, chúng tôi đã từng bước vượt qua", chị Hà Thị Kiều thành viên quản lý tổ hợp tác cho biết thêm.
Sự đồng hành của nhau, từ những cuộc họp thảo luận đến những buổi học hỏi kỹ thuật sản xuất, đã tạo nên một bầu không khí đoàn kết, gắn bó và sáng tạo. Tổ hợp tác không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong từng sản phẩm.
Chị Hà Thị Xuân, thành viên quản lý của tổ cho biết thêm, tổ đã thử nghiệm các mẫu mã mới và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, từ đó giành được những giải thưởng. Điều đó không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm mà còn nâng cao tinh thần của từng thành viên.
Sự sáng tạo không chỉ đến từ việc làm ra sản phẩm mới mà còn từ cách họ tổ chức và quản lý công việc. Mỗi thành viên đều có cơ hội đóng góp ý tưởng, tạo nên một môi trường làm việc đầy sức sống và động lực. Khát vọng đổi mới sáng tạo không chỉ giúp tổ hợp tác phát triển bền vững mà còn mang lại niềm tin cho các chị em trong việc khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Các sản phẩm từ mây tre đan đã vươn ra thị trường lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên.
Mô hình tổ hợp tác sản xuất mây tre đan ở thôn Lau là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, khát vọng đổi mới sáng tạo của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế địa phương. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ không chỉ cải thiện cuộc sống mà còn tạo ra một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ phụ nữ tiếp theo, khuyến khích họ theo đuổi ước mơ và khát vọng vươn lên trong xã hội hiện đại.
Thi đua xây dựng hình ảnh phụ nữ thời đại mới
Phụ nữ Việt Nam ngày nay không còn đơn độc trên con đường sáng tạo và khởi nghiệp. Họ được tiếp sức mạnh từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các hội thảo và khóa học kỹ năng, cũng như sự đồng hành từ các tổ chức xã hội. Nhờ đó, hàng loạt doanh nghiệp nữ trẻ đã ra đời, khẳng định tầm vóc của mình không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ triển khai nhiều chương trình ý nghĩa nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phụ nữ trên khắp cả nước phát triển toàn diện và tự tin khởi nghiệp thành công.
Những chương trình kết nối, học bổng sẽ giúp phụ nữ, dù ở vùng sâu, vùng xa, tiếp cận được kiến thức, nguồn lực cần thiết để vươn lên, phát huy vai trò làm chủ và khẳng định bản lĩnh phụ nữ Việt Nam hiện đại: năng động, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận thách thức mới.
Song song đó, phong trào "Thi đua xây dựng phụ nữ thời đại mới" tiếp tục được nhân rộng, tạo động lực mạnh mẽ để phụ nữ hướng tới các tiêu chí quan trọng: có đạo đức, có tri thức, có sức khỏe, và có trách nhiệm với cộng đồng. Đây không chỉ là mục tiêu, mà còn là lộ trình phát triển bền vững, giúp phụ nữ tự tin thể hiện bản thân và vươn xa hơn trong cuộc sống. Những tiêu chí này chính là nền tảng để mỗi người phụ nữ Việt Nam hoàn thiện bản thân, đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và đất nước.
"Bằng việc kết nối, mở rộng cơ hội học tập và kinh doanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang kiến tạo một tương lai mà phụ nữ không chỉ đảm việc nhà, giỏi việc nước, mà còn là những người dẫn đầu, đóng góp vào xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Sứ mệnh đó không chỉ là động lực, mà còn là niềm tự hào để mỗi phụ nữ Việt Nam thêm yêu và gắn bó với quê hương, đất nước", bà Hương nhấn mạnh.