Phục hồi chức năng là lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh

13:37, 24/12/2023

Phục hồi chức năng là dịch vụ y tế dành cho bất kỳ người nào có vấn đề về sức khỏe, nhằm hỗ trợ người bệnh nhanh chóng có cuộc sống hòa nhập và chất lượng sống tốt hơn.

Phục hồi chức năng là lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh- Ảnh 1.

Hai bên đã ký Biên bản hợp tác phát triển vật lý trị liệu kiểu Nhật ở Việt Nam. Ảnh: VGP/PL.

Tại hội thảo quốc tế có chủ đề "Vật lý trị liệu kiểu Nhật góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế", được tổ chức mới đây nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ở nước ta, công tác phục hồi chức năng là vô cùng quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Điều này được chứng minh thông qua số lượng cơ sở phục hồi chức năng được mở rộng khắp trên cả nước. Từ chỗ chỉ có một số ít cơ sở phục hồi chức năng cách đây 30 năm, đến nay mạng lưới này bao gồm 1 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến Trung ương; 37 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến tỉnh và 25 bệnh viện điều dưỡng – phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành, 550 khoa phục hồi chức năng, hoặc liên khoa...

PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam chia sẻ, phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh. Đây là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề về sức khỏe.

Vì vây, cần phải duy trì và phát triển mạng lưới này phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển dịch vụ phục hồi chức năng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Hiện nay, công tác phục hồi chức năng ở nước ta còn nhiều thách thức, mạng lưới cơ sở này phát triển chưa đồng bộ, nhân lực chuyên khoa phục hồi chức năng còn yếu và thiếu ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu…

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thời gian tới, công tác phục hồi chức năng cần phải được tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển nhiều hơn nữa. Điều này cũng đã được thể hiện rõ tại Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu với các chuyên gia phục hồi chức năng, chuyên gia vật lý trị liệu của Việt Nam về mô hình và những ưu thế của vật lý trị liệu kiểu Nhật Bản. Đây là quốc gia đã đào tạo và triển khai các chuyên ngành chuyên sâu về phục hồi chức năng từ rất lâu, như: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chân tay giả và dụng cụ trợ giúp...

Cũng tại hội thảo, hai bên đã ký Biên bản hợp tác phát triển vật lý trị liệu kiểu Nhật ở Việt Nam.

Hội thảo do Tổ chức kỹ thuật y tế quốc tế Nhật Bản, Hội Vật lý trị liệu Nhật Bản và Hội phục hồi chức năng Việt Nam, Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Theo Báo điện tử Chính phủ