Pin năng lượng mặt trời từ củ nghệ, dâu tây
Thay vì dùng silic để làm pin năng lượng mặt trời như thông thường, các bạn trẻ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã dùng thành phần từ củ nghệ, trái dâu tây, lá mâm xôi.
Nhóm tác giả đã sáng tạo làm tấm pin năng lượng mặt trời hữu cơ theo phương pháp nhuộm (dye solar cells) của Phan Đình Long Nhật, 18 tuổi, sinh viên năm nhất, ngành điện - điện tử cùng với những anh chị đang là sinh viên năm cuối của trường.
“Pin năng lượng mặt trời (solar cells) bình thường làm bằng chất vô cơ silic, quá trình để làm ra silic sẽ sinh ra CO2, CFC (góp phần gây thủng tầng ozon). Và sau quá trình sử dụng 20 - 30 năm, những tấm pin mặt trời này bị hỏng thì không thể tái chế do đó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường”, Nhật chia sẻ với báo Khoa học Đời sống.
Cách đây 3 tháng, Nhật theo dõi một chương trình về bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, điều này càng thôi thúc Nhật và các bạn phải tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn. Nhật chọn lớp nhuộm là nước ép củ nghệ, trái dâu tây hoặc lá mâm xôi bởi cấu trúc của 3 loại màu này có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao nhất.
Giai đoạn 2 của quá trình làm pin mặt trời hữu cơ được nhóm tiến hành, phương pháp nhuộm được thay thế bằng cấu trúc mới mà nhóm đã nghiên cứu tìm tòi suốt nhiều tháng nay tiết kiệm hơn và tận dụng các nguồn lực sẵn có, các chất được tổng hợp thân thiện và gần gũi với cuộc sống.
PV/TH