Quản lý thị trường cảnh báo bộ kit test nhanh Covid-19 rao bán trên mạng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 trên mạng xã hội. Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cảnh báo, người dân phải hết sức cảnh giác khi mua loại kit thử này.
Đánh vào tâm lý lo lắng về dịch bệnh Covid-19 của người tiêu dùng, thời gian gần đây, trên một số trang thương mại điện tử và mạng xã hội đã rao bán bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, với giá khoảng 700.000 – 1 triệu đồng/kit. Một số người bán hàng mặt hàng này đã quảng cáo “Đây là 1 trong 2 bộ kit xét nghiệm được cấp phép bán tại hiệu thuốc nội địa của Hàn Quốc. Một bộ gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút và cho kết quả chính xác đến 99%”.
Bộ Y tế không khuyến khích người dân tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) – cho biết, mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên đã được Tổng cục QLTTđặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra kiểm soát. Đặc biệt, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin.
“Nếu phát hiện hiện tượng kinh doanh bộ kit test không phải do Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh tại cơ quan, tổ chức được cấp phép, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Trường hợp sử dụng bộ kit test giả, không rõ nguồn gốc, sẽ kết hợp lực lượng chức năng khác như công an, hải quan để phát hiện nguồn vào Việt Nam, kinh doanh trái phép, chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước”- ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nguyễn Đức Lê cũng khuyến cáo, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. “Đặc biệt, người tiêu dùng không nên hoang mang để các tổ chức, cá nhân lợi dụng kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe bản thân”- ông Nguyễn Đức Lê khuyến nghị.
Hiện tại, nước ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công phòng, chống dịch, tăng cường truy vết bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết và không khuyến khích người dân tự xét nghiệm.
Thực tế, ngay từ cuối tháng 1 năm 2021, khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT đã ban hành công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong công văn, Tổng cục cũng đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu các Cục QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Mới đây nhất, ngày 10 tháng 5 năm 2021, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong công văn, Tổng cục cũng yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh.
Thùy Chi (T/h)