Quảng Nam: Đề xuất thí điểm dùng khí cầu trực thăng giám sát rừng từ trên cao
Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, đã giới thiệu về dự án chế tạo khí cầu trực thăng KCTT-20 làm trạm giám sát từ trên cao để bảo vệ rừng và áp dụng thử ở tỉnh Quảng Nam.
Chiều 17/11, UBND tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam để nghe báo cáo tính khả thi việc áp dụng thử nghiệm khí cầu trực thăng làm trạm giám sát rừng từ trên cao.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đức Cương, phó chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, đã giới thiệu về dự án chế tạo khí cầu trực thăng KCTT-20 làm trạm giám sát từ trên cao để bảo vệ rừng và áp dụng thử ở tỉnh Quảng Nam.
Đại diện Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam giới thiệu dự án thử nghiệm khí cầu trực thăng làm trạm giám sát rừng từ trên cao.
Theo hồ sơ dự án, sản phẩm có tổng trọng lượng cất cánh tối đa là 70kg, tải có ích là 20kg, hệ thống điều khiển không người lái (tự động, bằng tay từ xa), quả cầu đường kính khoảng 5m, khí hêli 65m3, thời gian bay có thể kéo dài 8 giờ trong điều kiện lặng gió, tốc độ bay 15-20km/h, có gắn hệ thống camera giám sát diện tích 50ha rừng ở độ cao 100m.
KCTT-20 được xây dựng với chức năng là trạm giám sát 24/7 diện rộng, từ trên cao, cảnh báo lâm tặc, cháy rừng từ sớm. Nếu ở độ cao 100m, camera Dmax=400m thì có thể giám sát được 50ha rừng.
Cụ thể quan sát (quét) liên tục về tầm và hướng, tự động phát hiện các hiện tượng khả nghi, tạm dừng quét, zoom gần hơn và chụp ảnh kèm đánh dấu địa điểm trên bản đồ gửi về trạm kiểm lâm, có báo động chuông kêu đèn nhấp nháy, để nhân viên kiểm lâm ra quyết định xử lý. Khi sắp hết pin tự động bay về nơi xuất phát. Khi giám sát xong (3 phút) có thể di chuyển sang khu vực khác.
Ông Cương cho biết khí cầu trực thăng này ứng dụng hiệu quả trong việc quan sát rừng từ trên cao với diện tích rộng hơn so với flycam, có thể quan sát hàng nghìn ha rừng, kết nối mạng.
Quan sát xong vùng này có thể di chuyển sang vùng khác, thông tin ảnh chụp được xử lý sơ bộ bằng trí tuệ nhân tạo, những ảnh nào có thể nghi ngờ, ví dụ như chỗ đó chặt phá, cháy rừng, có rõ tọa độ, vị trí rồi gửi về chi cục kiểm lâm.
Phác thảo khí cầu trực thăng.
Nhược điểm là bay với tốc độ chậm nhưng ưu điểm cất hạ cánh thẳng đứng, thời gian bay lâu, giám sát 24/7, thông tin sau một giờ có thể cập nhật một lần. Trong phương án có 3 loại camera, loại đắt tiền nhất với giá hàng trăm triệu là Dmax (đường kính quét tối đa) 3.000m với diện tích 2.500ha ở độ cao 1.000m.
Theo ông, hôm nay hội muốn xin ý kiến tỉnh về chủ trương có đồng ý cho áp dụng thử để giám sát rừng, muốn biết nhu cầu của tỉnh cần khí cầu trực thăng cập nhật thông tin trong bao lâu, một giờ, nửa giờ hay 15 phút cập nhật một lần.
Ông đề xuất đưa sản phẩm này thử áp dụng thí điểm ở tỉnh trong vòng ba tháng, nếu thực sự hiệu quả thì tỉnh có thể thuê lại.
Ông Trần Út - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - cho biết qua giới thiệu thấy sản phẩm trên khá hấp dẫn trong việc giám sát rừng, nhưng ông băn khoăn rằng sau thí điểm có hiệu quả thì vấn đề tỉnh sẽ thuê lại với giá bao nhiêu, chi phí vận hành ra sao?
Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở NN&PTNT nghiên cứu việc bay khí cầu hiện nay có cần thiết hay không, trong khi việc sử dụng máy bay không người lái hiện tại vẫn chưa chuyên nghiệp. Sở NN&PTNT tỉnh cũng cần xác định nghiệp vụ, kỹ thuật và có tiết kiệm, hỗ trợ cho công việc đến mức nào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng Sở NN&PTNT tiếp tục trao đổi với Hội Hàng không – Vũ trụ về việc thí điểm. Sở cũng sẽ đưa ra yêu cầu cụ thể về thiết bị này về việc bay, camera chuyên dụng ra sao để đánh giá được việc đốt thực bì hay cháy rừng hoặc những yêu cầu riêng. Đồng thời ông Hồ Quang Bửu nhận xét, đây là một công nghệ hay, nên thí điểm trong việc bảo vệ rừng nhưng phải đặt ra bài toán kinh phí phải hợp lý.
Chân Hoàn (T/h)