Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI năm 2020
Theo kết quả công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đánh giá, chấm điểm các nội dung và thực hiện phân nhóm giữa các tỉnh, thành phố theo 4 nhóm (nhóm cao nhất; nhóm trung bình cao; nhóm trung bình thấp; nhóm thấp nhất), tỉnh Quảng Ninh được xếp trong nhóm cao nhất của cả nước.
Sáng ngày 14/4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020.
Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020.
Theo kết quả công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đánh giá, chấm điểm các nội dung và thực hiện phân nhóm giữa các tỉnh, thành phố theo 4 nhóm (Nhóm cao nhất; nhóm trung bình cao; nhóm trung bình thấp; nhóm thấp nhất), tỉnh Quảng Ninh được xếp trong nhóm cao nhất của cả nước. Xếp hạng theo điểm số, năm 2020 tỉnh Quảng Ninh xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc với tổng điểm số là 48,88. Các vị trí tiếp theo lần lượt là các tỉnh Đồng Tháp và Thái Nguyên.
Qua chấm điểm 8 nội dung chỉ số PAPI năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 7/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó có 3 nội dung đạt điểm số dẫn đầu toàn quốc gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và Cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm).
Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), Thủ tục hành chính công (7,611 điểm), Quản trị môi trường (4,964 điểm) và Quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp ở nhóm trung bình cao ở tiêu chí còn lại - Trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm).
Kết quả này là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân như: Tập trung tuyên truyền các nội dung của chỉ số PAPI để người dân, doanh nghiệp nắm bắt; đẩy mạnh công khai, minh bạch tại các đơn vị, địa phương đặc biệt các vấn đề liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất đai; tập trung giải quyết các kiến nghị, xử lý triệt để đơn thư kiến nghị của người dân; đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân…
Quảng Ninh xếp thứ nhất về chỉ số số PAPI ở Việt Nam năm 2020.
Xếp thứ hai trong PAPI 2020 là Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Tỉnh này dẫn đầu cả nước ở tiêu chí Quản trị môi trường với 5,202 điểm.
Vị trí thứ ba thuộc về Thái Nguyên với 46,471 điểm. Thái Nguyên dẫn đầu cả nước ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,216 điểm).
Trong khi đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM nằm trong nhóm có xếp hạng thấp.
Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có xếp hạng thấp nhất cả nước với 41,629 điểm. Hà Nội có điểm số thuộc nhóm thấp nhất ở các tiêu chí Thủ tục hành chính công (7,169 điểm) và Quản trị môi trường (2,959 điểm). Ở nhóm tiêu chí Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Cung ứng dịch vụ công, Hà Nội cũng chỉ đạt mức điểm trung bình thấp.
Trong khi đó, TP. HCM nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có xếp hạng trung bình thấp với 41,985 điểm. Thành phố này bị đánh giá thấp ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (4,445 điểm), Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,363 điểm), Quản trị môi trường (2,82 điểm).
Chỉ số PAPI dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua 8 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI năm 2020 khảo sát 14.732 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và đánh giá của người dân thể hiện qua các trục nội dung của chỉ số PAPI sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Mai Ngọc (T/h)