Quảng Ninh: Phát huy hiệu quả chương trình khám, chữa bệnh từ xa

14:32, 10/09/2020

Mặc dù Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được Bộ Y tế ban hành tháng 6/2020; tuy nhiên tại Quảng Ninh, chương trình khám, chữa bệnh từ xa đã được Sở Y tế triển khai từ năm 2012, đến nay đạt được nhiều kết quả.


 

Lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia lễ khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vào lúc Bệnh viện đang thực ca mổ nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân viêm túi mật do sỏi mật bằng hệ thống 3D hiện đại, dưới sự hỗ trợ tư vấn từ xa của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhân dịp Bệnh viện khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth Center) thuộc Dự án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020- 2025” của Bộ Y tế. Ca mổ được truyền hình trực tuyến từ phòng mổ đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như hơn trăm điểm cầu tại các cơ sở y tế khác trên cả nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc BVĐK tỉnh, Bệnh viện được chọn thực hiện ca mổ truyền hình trực tuyến trong dịp này, bởi hệ thống kết nối mạng từ phòng mổ của đơn vị với các bệnh viện tuyến trung ương được đầu tư hiện đại. Các thiết bị trong phòng mổ đều được kết nối trên hệ thống như máy nội soi, máy gây mê... với công nghệ 3D đem lại hình ảnh không gian chân thực, giúp các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét, rất thuận lợi cho sự quan sát từ xa qua hệ thống máy tính, máy trình chiếu của các chuyên gia.



Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca nội soi cắt túi mật bằng hệ thống 3D hiện đại dưới sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Hà Trang (CTV)

Không chỉ kết nối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trước đó BVĐK tỉnh đã kết nối với Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của 8 bệnh viện tuyến trung ương khác trên cả nước. Trước khi có Đề án của Bộ Y tế, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim mạch Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nên BVĐK tỉnh vẫn thường xuyên kết nối với các bệnh viện này và cả Bệnh viện Nhi Trung ương để tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa cho những ca bệnh phức tạp; đồng thời đào tạo những kỹ thuật mới cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện...

Thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia Đề án. Qua đó, có 18 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn đăng ký tham gia.


Cắt băng khai trương hệ thống Telemedicine thuộc Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” vào tháng 7/2016. Ảnh: Hoàng Quý

Điều thuận lợi là trước đó, từ năm 2012, Sở Y tế đã triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Dự án Telemedicine). Ngành đã đầu tư xây dựng hệ thống Hội nghị từ xa tại 18 điểm cầu ở các đơn vị y tế trực thuộc; hoàn thành hệ thống Telemedicine thuộc Dự án tại 10 phòng mổ của 4 bệnh viện và 6 trung tâm y tế có giường bệnh, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Cô Tô với các trang thiết bị kết nối hiện đại, đường truyền ổn định, rõ nét.

Thông qua hệ thống Telemedicine, hàng nghìn bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị qua các phiên hội chẩn trực tuyến, trong đó có rất nhiều ca bệnh khó được các bác sĩ của các bệnh viện tuyến huyện thực hiện mổ thành công dưới sự hướng dẫn trực tuyến của các bác sĩ có kinh nghiệm tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Ngành đã tổ chức hàng trăm buổi đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho CB,CC,VC về quản lý bệnh viện, quản lý dược, chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống dịch, khám chữa bệnh, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, giúp chuyển giao nhanh cho tuyến dưới các kỹ thuật chuyên môn, góp phần đào tạo, nâng cao trình độ cho y, bác sĩ.



Việc kết nối mạng từ xa giúp các bác sĩ, kỹ thuật viên đọc thông số các xét nghiệm của người bệnh dễ dàng, từ đó giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn (ảnh: Thông số xét nghiệm của bệnh nhân qua hệ thống kết nối mạng tại Bệnh viện Bãi Cháy).

Không chỉ kết nối các đơn vị y tế trên địa bàn, thông qua hệ thống này, từ năm 2012 đến nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh còn tiến hành kết nối chẩn đoán từ xa giữa bệnh viện với bệnh viện tuyến trung ương để đào tạo, nghiên cứu, trao đổi thông tin; đồng thời, các bệnh viện trung ương cũng hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời bệnh viện trên địa bàn tỉnh xử lý cấp cứu, phẫu thuật cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch, từ đó nâng cao hiệu quả cứu sống bệnh nhân.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước triển khai hệ thống Telemedicine đồng bộ đến tuyến huyện. Với những trang, thiết bị kết nối hiện đại từ 18 điểm cầu và 10 phòng mổ của các đơn vị y tế trên địa bàn là tiền đề vững chắc để các đơn vị triển khai nhanh, có hiệu quả trong việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương.

Từ đó giúp ngành Y tế tỉnh đạt được mục tiêu mà mà Đề án “khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế đề ra:: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng CNTT; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

 

Thu Nguyệt