Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

07:08, 13/11/2020

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam chiều 11/11

Tham gia biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có 462 đại biểu (bằng 95,85% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội). Trước đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Điều 5 về Nhiệm vụ biên phòng và Điều 10 về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với số phiếu tán thành cao.

Với kết quả này, Luật Biên phòng đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trong 6 chương, Luật BPVN dành Chương III, gồm 12 điều, quy định về lực lượng BĐBP, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. Trong đó, Điều 13, quy định BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), khu vực biên giới (KVBG).

BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng. Tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ BGQG, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu và xây dựng lực lượng BĐBP. Thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, hệ thống mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên phòng. Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, kiểm soát qua lại biên giới. Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở KVBG. Tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở KVBG; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, phòng thủ dân sự. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở KVBG gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh. Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở KVBG.

Điều 15 quy định quyền hạn của BĐBP, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ; áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ BGQG, hệ thống mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp thị thực và các loại giấy phép trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ BGQG; kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, KVBG, qua lại biên giới...

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Tĩnh biểu quyết thông qua Luật BPVN.

Cùng với đó, lực lượng BĐBP được phép trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên. Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Tại khoản 1, Điều 23 quy định Ngày 3 tháng 3 hằng năm là Ngày truyền thống của BĐBP, Ngày biên phòng toàn dân.

Ngoài ra, tại Chương IV, bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Điều 26 bảo đảm nguồn lực tài chính, quy định Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 27 chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở KVBG được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định.

PV(T/h)