Quy chế đào tạo tiến sĩ đòi hỏi cao trường đại học về thực thi, trách nhiệm giải trình

12:58, 19/07/2021

Trong bối cảnh tự chủ đại học, việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ theo quy chế mới là phù hợp, giúp các trường thể hiện trách nhiệm, quyền quyết định về chất lượng đào tạo để tạo động lực cho sự phát triển.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Đây là quan điểm của TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội khi chia sẻ về Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; thay thế các quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.

Quy định tại Thông tư 18 chỉ là mức sàn

- Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18 của Bộ GD&ĐT đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân ông cho rằng việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ theo quy chế mới là phù hợp, ông có thể làm rõ hơn quan điểm của mình?

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18 có một số điểm mới so với quy định theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về: Yêu cầu đầu vào đối với người dự tuyển; Yêu cầu đầu ra của nghiên cứu sinh; Số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn tại cùng thời điểm; Minh chứng năng lực nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn; Hình thức tuyển sinh và đào tạo; Thời gian đào tạo; Quản lý nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo… Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều liên quan đến yêu cầu về bài báo khoa học của nghiên cứu sinh.

Cụ thể, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống WoS/Scopus hoặc tương đương (cùng với các điều kiện khác). Ở Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, đây không còn là điều kiện bắt buộc, nghiên cứu sinh có thể công bố bằng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, miễn là "các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình".

Có thể hiểu đây là những quy định tối thiểu để đảm bảo đầu ra của đào tạo tiến sĩ, như trong Điều 22 của Thông tư 18 quy định: Căn cứ Quy chế này và những quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; cụ thể hóa với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không trái với những quy định của Quy chế này…

Như vậy, những quy định về đầu ra đối với nghiên cứu sinh của Quy chế mới chỉ mang tính chất “khung”, “sàn”, còn các cơ sở giáo dục được quyền thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn, phục vụ mục tiêu và định hướng phát triển của mình. Căn cứ theo sứ mệnh, mục tiêu, năng lực đội ngũ, tiềm lực khoa học công nghệ của mình, các cơ sở giáo dục có thể thiết lập các mức yêu cầu khác nhau đối với nghiên cứu sinh, miễn là không thấp hơn các quy định trong Quy chế này. Sẽ là không tưởng nếu kỳ vọng vào một bức tranh giáo dục đại học “trăm trường như một” với năng lực công bố quốc tế cao, kể cả ở những quốc gia phát triển.

Trong trường hơp cơ sở giáo dục ĐH có định hướng phát triển theo mô hình ĐH nghiên cứu, chú trọng hội nhập quốc tế để thúc đẩy xếp hạng ĐH hoặc các mục tiêu khác, thì có thể đưa yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh, để vừa thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo bậc cao, vừa phục vụ mục tiêu phát triển.

Những cơ sở giáo dục có đội ngũ nhân lực khoa học (giáo sư, phó giáo sư) hùng hậu, với năng lực hội nhập quốc tế cao, có thể nâng tiêu chí về công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh, nhằm phát huy tối ưu tiềm lực nhân lực khoa học, đồng thời phục vụ định hướng phát triển đội ngũ kế cận của mình.

Ở những cơ sở giáo dục như vậy, giả như không có quy định về định mức công bố quốc tế, họ vẫn sẽ chủ động thực hiện các yêu cầu đó, bởi đó là nhu cầu phát triển tự thân của họ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoài việc đặt chỉ tiêu công bố khoa học ở mức cao thì cơ sở giáo dục cũng cần thực hiện các quy trình quản lý, đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo tiến sĩ một cách chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch, khách quan trong đánh giá người học. Chỉ có như vậy thì uy tín đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đó mới tăng lên cao, đồng thời xác lập được vị thế cao trong hệ thống giáo dục ĐH.

Trên thế giới, những ĐH như ĐH Harvard, ĐH Oxford, ĐH Cambridge... cũng khá nổi tiếng với những quy định rất cao đối với nghiên cứu sinh của mình, đồng thời có một truyền thống nghiên cứu, đào tạo lâu năm, theo đuổi những quy chuẩn và giá trị cốt lõi của liêm chính học thuật.

Do đó, nghiên cứu sinh tốt nghiệp những trường này thường chứng minh được năng lực nghiên cứu xuất sắc và đẳng cấp của riêng mình. Họ có lợi thế trong việc thu hút nguồn lực phục vụ các dự án nghiên cứu, hoặc có cơ hội thành công cao hơn trong các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp. Họ tự hào với nơi mình được đào tạo và trưởng thành. Tôi nghĩ, đây cũng nên là điều mà các trường ĐH ở Việt Nam nên tính đến trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, một số trường ĐH ở Việt Nam vì các yêu cầu về công bố quốc tế rất cao đối với nghiên cứu sinh đã gặp khó khăn trong phát triển nhân lực khoa học. Họ không thể tuyển sinh hoặc đào tạo được đội ngũ tiến sĩ kế cận cho các ngành nghề đào tạo. Rõ ràng, những trường ĐH này cần có một lộ trình phát triển từng bước, tích lũy từ lượng đến chất. Hội nhập quốc tế, ngay cả cấp quốc gia, cũng là một quá trình. Tất nhiên, điều chỉnh chỉ tiêu đầu ra cần gắn với quản lý chất lượng chặt chẽ. Thông tư 18 cũng đã có những quy định khá cụ thể về kiểm soát chất lượng luận án và quá trình đào tạo nghiên cứu sinh.

Có thể nói, trong bối cảnh tự chủ ĐH, việc tiếp cận đào tạo tiến sĩ theo quy chế mới của Thông tư 18 là phù hợp, giúp các trường ĐH thể hiện trách nhiệm, quyền quyết định về chất lượng đào tạo để tạo động lực cho sự phát triển.

Đây là văn bản áp dụng cho hệ thống ĐH trong cả nước nên cần có tính mở, vừa duy trì được những yêu cầu phát triển cơ bản, vừa trao quyền chủ động để các cơ sở giáo dục có thể tự quyết định đối với hoạt động đào tạo của mình. Nếu xem chất lượng và uy tín đào tạo là yếu tố then chốt, sống còn trong bối cảnh tự chủ đại học, thì các trường đại học phải thực sự có trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây thậm chí còn là câu chuyện rộng hơn những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ.

TS Nghiêm Xuân Huy.

Quy định mới mở ra cơ hội và cả thách thức

- Quan điểm của ông thế nào về tầm quan trọng cần có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín với các nghiên cứu sinh?

Công bố quốc tế là một chỉ báo quan trọng để đánh giá năng lực khoa học của mỗi cá nhân và cơ sở giáo dục. Tôi không phản đối việc khuyến khích hay yêu cầu nghiên cứu sinh công bố quốc tế, bởi đó là một giải pháp tích cực, nhưng không nên tuyệt đối hóa việc này, đồng thời cần nhìn nhận nó trong những bối cảnh cụ thể. Câu hỏi đặt ra là: liệu công bố quốc tế có phải là căn cứ duy nhất để đánh giá năng lực nghiên cứu và mức độ thực hiện chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của nghiên cứu sinh?

Chúng ta đều biết, nghiên cứu sinh là những người đang từng bước học cách nghiên cứu độc lập, họ chưa phải là nhà khoa học trưởng thành. Dù họ có công bố quốc tế, thì đó cũng chưa phải là những công trình nghiên cứu độc lập của họ. Các thầy cô trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật chắc cũng hiểu rõ sự tham gia của giáo sư hướng dẫn và nhóm nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm nơi nghiên cứu sinh học tập cũng đóng vai trò rất lớn trong mỗi công bố ấy.

Như vậy, các công bố quốc tế phản ánh một phần năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, không nên xem đó là tiêu chí duy nhất cho năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh hoặc chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục. Không dễ để đo lường mức độ xuất sắc hay mức độ tích lũy tri thức của nghiên cứu sinh nếu chỉ dựa vào công bố quốc tế mà họ tham gia đứng tên.

Nên nhớ, sản phẩm quan trọng nhất mà mọi nghiên cứu sinh đều phải thực hiện là luận án của họ. Vậy thì cần có cơ chế để đảm bảo sản phẩm ấy có chất lượng và đáp ứng các quy chuẩn học thuật do cơ sở giáo dục đó quy định. Việc này rõ ràng có trách nhiệm rất lớn của người thầy hướng dẫn và cơ sở giáo dục đại học.

Chúng ta đã nghe những câu chuyện về tiêu cực trong công bố quốc tế rồi. Sâu xa vẫn là ý thức của những người trong cuộc. Bản thân người học nếu đã không vì sự phát triển của chính mình để học, thì cho dù có giải pháp, yêu cầu cao đến đâu thì họ vẫn có cách để đạt được mục tiêu là lấy tấm bằng.

- Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ nếu áp dụng quy định mới. Theo ông, có giải pháp nào cho vấn đề này?

Bản thân tôi nhìn nhận, quy định mới về tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ đã mở ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức về kiểm soát chất lượng đào tạo tiến sĩ, đòi hỏi sự thực thi nghiêm túc và trách nhiệm giải trình cao của trường ĐH.

Việc lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ đến từ đông đảo các nhà khoa học là điều hợp lý, thể hiện trách nhiệm xã hội của giới học thuật. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp cho vấn đề này mà không nhất thiết phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh.

Trước hết, tôi cho rằng, để bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, phải có cơ chế giám sát, bảo đảm quy trình dạy và học, quy trình kiểm tra đánh giá người học được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, xác lập rõ và giám sát vai trò, trách nhiệm của thầy hướng dẫn, vai trò và trách nhiệm của người học. Cao hơn nữa, cần chú trọng rèn luyện người học về liêm chính học thuật, tuân thủ các quy định về đạo đức học thuật, đó mới là gốc rễ của bất kỳ hoạt động giáo dục nào.

Thứ đến là cần có giải pháp bảo đảm chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong nước, nhất là quy trình phản biện, biên tập, xuất bản bài báo. Đồng thời thúc đẩy để các tạp chí khoa học xuất bản trực tuyến, nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch các bài viết, cho phép cộng đồng khoa học giám sát chất lượng các công bố.

Và sau cùng, nếu như việc tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với nhân sự ở các trường đại học, các tổ chức (nhất là các cơ quan nhà nước) mà dựa trên năng lực thực sự, dựa trên hiệu quả làm việc, nghiên cứu, cống hiến của mỗi cá nhân, thì bằng cấp hay những yếu tố mang tính chất chỉ báo sẽ không còn thiết yếu nữa, khi đó người ta sẽ chủ động dạy thật, học thật, làm thật.

Nếu việc đánh giá con người dựa trên giá trị, năng lực thật, nếu việc đào tạo được thực hiện đúng quy định, nếu người thầy đủ tốt, người trò đủ trung thực, thì tự khắc chất lượng đào tạo tiến sĩ sẽ tăng lên. Theo tôi điều này không xa vời. Mỗi nhà khoa học đang tham gia vào chuỗi thảo luận này hãy làm gương, trước hết, hãy lan tỏa tinh thần thực học, thực dạy, thực nghiên cứu tới các đồng nghiệp và nghiên cứu sinh của mình; hãy nói không với tất cả các tiêu cực mà mình gặp phải.

Khi sự liêm chính, minh bạch, công bằng và khách quan được bảo đảm, chúng ta sẽ có một nền học thuật mạnh mẽ, chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng sẽ được bảo đảm.

Theo/giaoducthoidai.vn