Quy hoạch Thủ đô: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột phát triển

08:49, 22/06/2024

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã nhấn mạnh, KHCN, đổi mới sáng tạo cùng nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế-tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục-đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và bốn khâu đột phá chiến lược.

Quy hoạch cũng định hướng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố…

7 giải pháp thể hiện tầm nhìn mới phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Hà Nội

Thứ nhất, Quy hoạch Thủ đô hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản hành chính hóa hoạt động KHCN trên địa bàn Thủ đô. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tăng cường đầu tư ngân sách của Hà Nội cho hoạt động KHCN nhằm phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước tương xứng với nhu cầu phát triển KHCN. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Thủ đô để thúc đẩy hoạt động sáng chế, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng cách mạng 4.0 vào xây dựng và thiết lập hạ tầng công nghệ cho Thành phố Hà Nội thông minh, hạ tầng thông tin đô thị thông minh, sử dụng các công nghệ số mới nhất (AI, IoT, IoE, Big Data, Block chain, Cloud, VR/ AR...) như “hệ thần kinh” của đô thị, phục vụ đắc lực cho các cấp chính quyền trong công việc hàng ngày, đồng thời phục vụ cho toàn cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong cuộc sống và kinh doanh của họ. Hạ tầng thông tin được xây dựng theo nguyên tắc hệ thống mở, được “cấy gene”, để đảm bảo ngày càng thông minh hơn, hiệu quả hơn, duy trì một cách liên tục và lâu dài và được thiết kế một cách tổng thể, đồng bộ, liên thông với tất cả các ngành, lĩnh vực.

Thứ ba, Hà Nội thu hút nguồn lực phát triển KHCN Thủ đô. Bảo đảm chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển KHCN. Tạo thuận lợi trong hình thành và sử dụng quỹ tài chính, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm từ các nhiệm vụ KHCN cấp thành phố. Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực.

Thứ tư, phát triển mạnh thị trường KHCN và hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Mở rộng và nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

Thứ năm, xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thủ đô trên cơ sở các hoạt động: hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ mới, công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường...); hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề...; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ sáu, phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng tính kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu trung ương và Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo; lựa chọn các đối tác đến từ các quốc gia phát triển có nền KHCN tiên tiến, hiện đại. Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội, thúc đẩy hoạt động KHVN và đổi mới sáng tạo; khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động này.

Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô đặt ra giải pháp Hà Nội có chính sách ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KHCN thực hiện theo quy định của pháp luật về KHCN. Cụ thể, tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KHCN nghệ sử dụng ngân sách của Thành phố được áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ KHCN; thực hiện việc mua sắm, thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu trong các trường hợp: nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thành phố; hàng hóa, dịch vụ đặc biệt hoặc hàng hóa, dịch vụ chỉ có một nhà cung cấp.

Thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô được xác định là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp, tổ chức KHCN được hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô; được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ KHCN và doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Thủ đô.

Doanh nghiệp được hỗ trợ một phần kinh phí hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô và được hưởng các ưu đãi: Hỗ trợ chi phí ươm tạo bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia, công lao động trực tiếp; dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...

Doanh nghiệp KHCN, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các chính ưu đãi: được sử dụng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có sử dụng ngân sách nhà nước để thành lập, vận hành doanh nghiệp KHCN trong các trường đại học và viện nghiên cứu; Ưu tiên bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp KHCN trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Thành phố; được ưu tiên miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Hỗ trợ việc thành lập và vận hành cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/quy-hoach-thu-do-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-tro-thanh-tru-cot-phat-trien-d226102.html