PV GAS: Hai công trình khoa học công nghệ được trao Giải thưởng VIFOTEC 2023

11:17, 04/06/2024

Tại Hà Nội, 47 công trình khoa học vừa được trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2023. Hai đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (PV GAS SE) và Công ty Khí Cà Mau (PV GAS CA MAU) vinh dự có hai công trình được trao thưởng tại sự kiện quan trọng này.

Đại diện các nhóm tác giả nhận giải Khuyến khích của VIFOTEC 2024

Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2023 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ; các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giải thưởng VIFOTEC do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1995. Giải thưởng được xét và trao cho các công trình thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Giải thưởng nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đến nay đã có khoảng gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.

Đại diện PV GAS SE tại Lễ trao giải

PV GAS SE đại diện nhận Giải khuyến khích VIFOTEC cho công trình “Giải pháp kiểm soát chất lượng khí, condensate Thiên Ưng và quản lý lỏng các tuyến ống 2 pha hệ thống khí Nam Côn Sơn 2” thuộc lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Nhóm tác giả và cộng sự cùng thực hiện công trình này gồm có: Nguyễn Thành Minh, Trần Huy Thực, Nguyễn Phương Cảo, Nguyễn Vỹ, Hồ Xuân Lâm, Bùi Tấn Hùng, Trần Anh Khoa. Giải pháp có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho các trường hợp có tính chất tương tự trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và các mô hình mô phỏng dự báo có thể áp dụng lâu dài cho quá trình vận hành các đường ống đa pha thuộc PV GAS. Tổng hiệu quả kinh tế mà sáng kiến đã mang lại trên 21 tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại dừng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố do không có phương án kiểm soát lỏng phù hợp, cũng như lợi ích của việc chủ động trong công tác huy động tối đa các nguồn khí TƯ-ĐH, SV-ĐN giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho PV GAS, góp phần giải quyết cấp bách về sử dụng khí trong trong cao điểm mùa khô phục vụ cho nhu cầu năng lượng điện quốc gia, đặc biệt phục vụ trực tiếp nhu cầu năng lượng cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, việc giảm thiểu đốt bỏ khí do quá trình xử lý khí off-spec giúp tiết kiệm tài nguyên quốc gia có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn khí đang trong quá trình suy giảm và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quá trình xả đốt. Công trình cũng đã được khen thưởng mức A của Petrovietnam, mức Đặc biệt của PV GAS và mức A tại đơn vị.

Đại diện nhóm tác giả PV GAS CA MAU nhận giải tại Nhà hát Lớn Hà Nội

PV GAS CA MAU được trao thưởng Giải khuyến khích VIFOTEC với công trình “Bộ giải pháp tối ưu hoá năng lượng tiêu hao của Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau)” thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hóa của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Thành Thịnh, cùng các cộng sự Nguyễn Thanh Tân, Phạm Văn Hiệp, Hồ Nguyên, Huỳnh Văn Luân, Nguyễn Hai Phương, Trần Thanh Minh. Sáng kiến đã đưa ra 03 giải pháp bao gồm: Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng chất hấp phụ để tiết giảm Fuel Gas và điện năng tiêu thụ tại GPP Cà Mau; Thay đổi chế độ vận hành máy nén Residue Gas Compressor (RGC) để tiết kiệm điện năng; Cải hoán hệ thống sản xuất nitơ X-4314. Bộ ba giải pháp được áp dụng vào thực tế sản xuất mang tính lâu dài và áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại tổng giá trị làm lợi về kinh tế hơn 8 tỉ đồng.

Bộ giải pháp trên cũng góp phần tiết kiệm nguồn điện năng quốc gia, giảm tiêu thụ nguồn năng lượng điện được huy động sản xuất từ nguồn nhiên liệu hoá thạch, giảm phát thải gần 4.000 tấn CO2 ra môi trường nhằm góp phần vào cam kết của Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo hội nghị về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Công trình đã được khen thưởng mức A của Petrovietnam, mức 1 của PV GAS và mức A tại đơn vị.

Trong những năm qua, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của PV GAS luôn được chú trọng, đã và đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành các công trình khí an toàn, liên tục, hiệu quả, bảo vệ môi trường; đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho ngành và đất nước, góp phần thiết thực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của PV GAS nói riêng, Petrovietnam nói chung.

Cùng với 2 công trình của PV GAS, ngành Dầu khí có 5 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ khác đạt giải thưởng VIFOTEC năm 2023. Trong đó có 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại

(https://doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/pv-gas-hai-cong-trinh-khoa-hoc-cong-nghe-duoc-trao-giai-thuong-vifotec-2023.phtml)