Rạp chiếu phim không tiếp xúc, xu hướng mới ở Hàn Quốc
Rạp chiếu phim không tiếp xúc đã thiết lập máy bán vé tự động và kiot tự phục vụ để khách hàng có thể mua bỏng ngô và nước uống theo yêu cầu.
Tại rạp chiếu phim CGV ở đảo Yeouido, phía Tây thủ đô Seoul, một trong chuỗi rạp chiếu phim phức hợp được điều hành bởi tập đoàn giải trí khổng lồ CJ của Hàn Quốc, giờ đây khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ giải trí đặc biệt thú vị, đó là rạp chiếu phim không tiếp xúc.
Theo hãng tin Yonhap News, đại dịch COVID-19 đã khiến những người đam mê điện ảnh không thể đến rạp chiếu phim trong nhiều tháng vì lo sợ nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, nhà điều hành rạp chiếu phim CGV đã nảy ra ý tưởng triển khai dịch vụ xem phim mà không có bất kỳ tương tác trực tiếp nào.
Tại các quầy bán vé và đồ ăn nhanh, không còn nhân viên thu ngân và khách hàng xếp hàng chờ đợi đông đúc. Thay vào đó, rạp chiếu phim không tiếp xúc đã thiết lập máy bán vé tự động và kiot tự phục vụ để khách hàng có thể mua bỏng ngô và nước uống theo yêu cầu. Khách đến rạp cũng có thể tự lựa chọn mua xúc xích tại một chiếc máy bán hàng tự động bên cạnh. 12 chiếc hộp được trang bị sẵn phía trước quầy bán bỏng ngô, nhân viên bán hàng chỉ cần chuẩn bị đồ ăn sau khi nhận được đơn đặt hàng từ kiot và cho chúng vào những chiếc hộp này.
Rạp chiếu phim không tiếp xúc cũng được trang bị 2 robot tự lái, được gọi là “Check-bot”, cao khoảng 1,5 mét.
Một chiếc máy quét nhỏ sẽ được đặt ở lối vào của mỗi rạp chiếu phim. Do đó, khách hàng chỉ phải quét mã QR hoặc mã vạch trên điện thoại thông minh thay vì đưa vé cho người soát vé. Khách hàng cũng có thể thực hiện tất cả các quy trình trên điện thoại của mình, chẳng hạn đặt mua một hộp bỏng ngô, một loại nước uống,…
Rạp chiếu phim không tiếp xúc cũng được trang bị 2 robot tự lái, được gọi là “Check-bot”, cao khoảng 1,5 mét, được thiết lập đi xung quanh hành lang để cung cấp thông tin cho khách hàng về lịch chiếu phim hàng ngày hay chỉ dẫn họ lối vào nhà vệ sinh.
Ngành công nghiệp điện ảnh là một trong những nạn nhân lớn nhất của đại dịch COVID-19 tại Hàn Quốc.
Rạp chiếu phim không tiếp xúc là một phần trong dự án chuyển đổi kỹ thuật số của CGV nhằm mục đích giúp khách hàng tiết kiệm thời gian chờ đợi mua vé và đồ ăn. Ngoài ra, nhân viên cũng có thể tập trung hơn vào công việc của mình, như chuẩn bị đồ ăn thay vì phải xử lý việc thanh toán và nhiều nhiệm vụ khác.
"Chúng tôi khởi động rạp chiếu phim không tiếp xúc tại chi nhánh Yeouido như một chương trình giới thiệu trong khoảng 2 tháng. Do sự lây lan của virus SARS-CoV-2, mọi người có xu hướng ngại giao tiếp với người khác nên dự án này rất phù hợp với tình hình hiện tại”, anh Lee Seung-soo, đại diện CGV cho biết.
Ngành công nghiệp điện ảnh là một trong những nạn nhân lớn nhất của đại dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Tính đến ngày 29/4, quốc gia này đã ghi nhận trên 10.700 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và gần 246 người tử vong, kể từ khi ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên hôm 20/1.
Đại dịch cũng khiến số lượng người xem phim ở nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục , chỉ còn 1,83 triệu người vào tháng trước, mức thấp nhất hàng tháng kể từ khi dữ liệu phòng vé địa phương được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 2004. Trong khi đó, một năm trước, đã có đến 14,67 triệu vé được bán ra trên toàn quốc. Hôm 27/4, chỉ 19.000 người đã đến rạp, tăng nhẹ từ mức thấp kỷ lục 15.000 người ngày 6/4.
Hàng chục bộ phim trong nước và nước ngoài được lên kế hoạch khởi chiếu vào mùa xuân đã phải lên lịch lại vì mọi người không muốn ở trong không gian kín như rạp chiếu phim. Kết quả là, tổng doanh thu đã giảm 88% trong năm, lên tới 15,2 tỷ won trong tháng 3, trong khi các chuỗi phức hợp hàng đầu như CGV đã phải đóng cửa một số rạp chiếu phim suốt khoảng một tháng trong các nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của mình.
Tuy nhiên, các rạp chiếu phim đang đứng trước một tia hy vọng khi chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ dỡ bỏ lệnh kéo dãi giãn cách xã hội vào tuần tới, tạo cơ hội cho các ngành chuẩn bị hoạt động trở lại bình thường.
Nhiều rạp chiếu phim trên khắp đất nước đã “níu chân” khách hàng của mình bằng việc giới hạn số lượng vé có sẵn cùng với việc bán vé và đặt đồ ăn không tiếp xúc.
Doanh thu bán vé giảm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các rạp chiếu phim và các nhà sản xuất phim. Tuy nhiên, họ biết rằng không còn lựa chọn nào khác.
Phương Anh