Retex đổi mới quy trình sản xuất ngành dệt may

16:09, 04/01/2021

Từng làm việc trong ngành may mặc, nhận thấy những bất cập trong việc quản lý các dây chuyền, xưởng may theo cách truyền thống, Trần Thị Thanh Loan (SN 1991) cùng với Nguyễn Cửu Long (SN 1994) và Nguyễn Văn Thuật (SN 1991), đều quê Quảng Nam đã sáng tạo ứng dụng Retex để quản lý quy trình sản xuất ngành may mặc trên nền tảng IoT (Internet vạn vật).

Các nhà sáng lập của Retex đang trao đổi với trợ lý giám đốc Công ty Phú Tường (thứ 2 từ phải sang) về các vấn đề kỹ thuật của Retex. Ảnh: Giang Thanh

Minh bạch quy trình sản xuất

Những ngày cuối năm, xưởng may của Công ty TNHH Phú Tường (TX Điện Bàn, Quảng Nam) bận rộn với những tiếng đạp máy không dứt. Công nhân thoăn thoắt cắt, may để hoàn thành sớm những đơn hàng còn dang dở. Thỉnh thoảng, tiếng loa lại vang lên những tiếng gọi “Cơ điện đến chuyền 2”, “Hỗ trợ kỹ thuật đến chuyền 8”, “Gọi tổ trưởng chuyền 1”…

“Từ ngày lắp đặt hệ thống này, các quy trình sản xuất ở xưởng được trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kì vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý nhanh hơn. Đặc biệt, hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra”.

Ông Nguyễn Đăng Đức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường

Khác với các xưởng may thông thường, mỗi dây chuyền may ở công ty này được lắp thêm 1 máy tính bảng ở khu vực giữa dây chuyền và một tivi ở cuối  dây chuyền hiển thị số lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Đăng Đức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường, đó là hệ thống quản lý quy trình sản xuất may Retex được lắp đặt và vận hành thử gần 1 năm nay ở 4 xưởng của công ty.

Công ty TNHH Phú Tường là đơn vị đầu tiên ứng dụng và lắp đặt Nền tảng quản lý sản xuất theo thời gian thực Retex bởi Nguyễn Thanh Loan, đồng sáng lập của start-up này, vốn là nhân viên cũ của công ty. Làm quản lý trong lĩnh vực may mặc được gần 8 năm, Loan luôn trăn trở về khâu quản lý sản xuất của doanh nghiệp dệt may.

“Khó khăn rất đặc trưng của ngành này là không quản lý được số lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên, số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu, tiến độ, chất lượng sản phẩm… Tôi đã ấp ủ từ lâu về một ý tưởng công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp dệt may quản lý minh bạch quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm tải công việc và nâng cao năng suất”, Loan chia sẻ.

Đầu năm 2019, Loan trao đổi với đồng nghiệp tại công ty là Nguyễn Cửu Long và Nguyễn Văn Thuật - một người bạn đang làm việc trong ngành công nghệ về ý tưởng của mình. Sau đó, cả ba bắt tay phát triển dự án Retex.

Retex được thiết kế, xây dựng hoàn toàn trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, kết hợp với các thiết bị IoT tạo ra các nhà xưởng thông minh. Mỗi chuyền được gắn một máy tính bảng và một màn hình tivi hiển thị yêu cầu đơn hàng và số lượng hàng thực may.

Trên tab hiển thị ứng dụng Retex với hai giao diện dành cho công nhân và tổ trưởng. Giao diện dành cho công nhân được thiết kế với 4 nút cơ bản: gọi cơ điện, gọi hỗ trợ kỹ thuật, gọi tổ cắt, gọi tổ trưởng. Khi gặp vấn đề gì cần hỗ trợ, công nhân chỉ cần nhấp vào màn hình máy tính bảng, hệ thống loa sẽ tự động phát gọi.

Giao diện dành cho tổ trưởng mỗi dây chuyền sẽ hiển thị các đơn hàng được giao mỗi ngày, phần nhập liệu số lượng hàng may được trong mỗi buổi, số nguyên liệu nhập vào. Mỗi khi may xong một đơn hàng, tổ trưởng sẽ nhập số liệu, bấm hoàn thành đơn và nhận đơn hàng mới.

“Mỗi bộ phận sẽ được cấp quyền vào ứng dụng cũng như website khác nhau, đúng với chức năng nhiệm vụ. Tất cả mọi số liệu sẽ được hệ thống ghi lại theo thời gian thực và có thể xuất báo cáo bất kì lúc nào. Ở bất kì đâu, giám đốc công ty đều có thể quản lý được tiến độ các đơn hàng, năng suất của từng xưởng, từng bộ phận và từng tổ hệ thống, qua web trên máy tính hoặc app trên điện thoại thông minh”, Nguyễn Văn Thuật, sáng lập Retex cho hay.

“Cách mạng ngành dệt may”

Để viết ứng dụng, xây dựng nền tảng Retex, Thuật chỉ mất khoảng chừng 3 tháng, tuy nhiên, làm sao để thay đổi tư duy của các nhà quản lý và đưa sản phẩm được vào các xưởng may lại là thử thách lớn với 3 bạn trẻ. “Việc tạo thói quen mới cho các tổ trưởng, công nhân, nhân viên mất khá nhiều thời gian vì mọi người đã quen với cung cách truyền thống, cũng như một số người không muốn chịu sự quản lý chặt chẽ hơn”, Thuật chia sẻ.

Theo Nguyễn Cửu Long (đồng sáng lập Retex, Phụ trách triển khai hệ thống tại các xưởng may), so với các hệ thống mà các công ty dệt may đang mua của nước ngoài, Retex có lợi thế rất lớn khi giá thấp hơn đến 80%. Hệ thống đơn giản, dễ sử dụng nên công nhân và các tổ trưởng dễ dàng tiếp cận. “Retex có thể chỉnh tùy thuộc vào yêu cầu cũng như tính đặc thù của các doanh nghiệp. Thông thường, chỉ mất khoảng 2 tháng để cán bộ công nhân một xưởng may có thể nắm bắt và vận hành trơn tru hệ thống này”, Long nói.

Đến nay, Retex đã triển khai thành công hơn 10 xưởng lớn tại miền Trung và đang triển khai hệ thống cho xưởng may đặt ở Quảng Ngãi. “Retex viết tắt của Revolution Textile, nghĩa là cách mạng ngành dệt may. Đó cũng là mong muốn của nhóm, trở thành những người tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành dệt may”, Thuật cho biết thêm.

Retex là dự án khởi nghiệp được ươm tạo trong Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Sau những thành công bước đầu, Loan và Long đã nghỉ việc ở công ty may và cùng với Thuật thành lập Công ty CP Công nghệ Retex. “Trong năm 2021, Retex đặt mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số cho 50% xưởng may tại Việt Nam. Đồng thời, lên kế hoạch phát triển nền tảng quản lý sản xuất theo thời gian thực sang các ngành khác”, Nguyễn Văn Thuật, sáng lập Retex, cho hay. 

Theo tienphong.vn