Robot có thể giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge (Anh) đã sử dụng một robot hình người có kích thước như một đứa trẻ để hoàn thành một loạt các bảng câu hỏi nhằm đánh giá sức khỏe tâm thần của 28 trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 13.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ em sẵn sàng tâm sự với robot, đôi khi chia sẻ thông tin mà chúng chưa từng đưa lên mạng xã hội hoặc trong những cuộc nói chuyện trực tiếp với người khác.
Mặc dù robot không được sử dụng để thay thế các biện pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần hiện nay, các nhà nghiên cứu cho biết, chúng có thể là một phương cách bổ sung hữu ích cho các biện pháp đánh giá sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu sinh Nida Itrat Abbasi, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: "Vì robot mà chúng tôi sử dụng có kích thước bằng một đứa trẻ và hoàn toàn không gây nguy hiểm, trẻ em có thể coi robot như một người bạn tâm giao. Trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng sẽ không gặp rắc rối nếu chia sẻ bí mật với robot.
Trẻ em có thể tâm sự với robot những điều mà chúng chưa hề tiết lộ với ai. (Ảnh: Đại học Cambridge)
"Các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng trẻ em có nhiều khả năng tiết lộ thông tin cá nhân, chẳng hạn như chúng đang bị bắt nạt, cho một robot hơn là với người lớn".
Mỗi đứa trẻ có 45 phút, mặt đối mặt với robot Nao, một robot hình người cao khoảng 60 cm. Những đứa trẻ tương tác với robot bằng cách nói chuyện với nó hoặc bằng cách chạm vào các cảm biến trên bàn tay và bàn chân của robot. Các cảm biến bổ sung đã theo dõi nhịp tim, chuyển động đầu và mắt của trẻ trong suốt khoảng thời gian này.
Giáo sư Hatice Gunes, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Trí tuệ và Người máy thuộc Tổ Khoa học Máy tính và Công nghệ của Đại học Cambridge, đã nghiên cứu cách sử dụng các robot hỗ trợ xã hội như những huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lớn.
Trong những năm gần đây, cô cũng đang nghiên cứu xem robot có thể mang lại lợi ích gì cho trẻ em. Cô cho biết, trẻ em "khá nhạy bén" và "bị thu hút bởi công nghệ".
Minh Thùy (T/h)