Tại sao không hiện tên cầu thủ lúc quay cận cảnh?

15:59, 24/06/2021

Với bóng đá ngày nay nói chung và World Cup, Euro nói riêng, nhiều năm qua truyền hình chỉ đầu tư sao có thật nhiều máy quay để khán giả có thể thưởng thức được các trận đấu từ nhiều góc độ. Tuy nhiên, yếu tố tin học lại có phần tinh giản đi. Nguyên nhân chỉ vì trên áo thi đấu của các cầu thủ đã in sẵn tên thì cần gì phải hiển thị tên của họ lúc quay cận cảnh nữa.

Truyền hình cũng sôi động nhờ ứng dụng tin học

Tại các World Cup 1978, 1982, 1986 và 1990 khi chưa có quy định áo của các cầu thủ phải in tên thì các hệ thống tin học đã nhập cuộc một cách tích cực. Cụ thể là lúc quay cận cảnh thì trên màn hình luôn hiển thị tên của cầu thủ. Với cách làm đó, khán giả truyền hình rất tiện theo dõi. Tuy nhiên, cũng cần phải tìm hiểu xem hệ thống tin học đã hoạt động như thế nào.

Trước hết, phải có phần mềm đã cập nhật sẵn danh sách cầu thủ của 2 đội. Phần mềm này phải có giao diện để hiển thị trên màn hình máy tính và một giao diện nữa để kết xuất ra màn ảnh truyền hình. Cùng với đó, sẽ phải có các nhân viên tin học vừa theo dõi trận đấu vừa thao tác để hiển thị các thông số cần thiết lên màn ảnh truyền hình.

Sao không hiện tên cầu thủ lúc quay cận cảnh?

Còn nhớ, với World Cup 1990 tại Italia, hãng máy tính Olivetti của nước chủ nhà đã tài trợ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ truyền hình của sự kiện này. Nhờ đó, khán giả truyền hình không chỉ nhìn rõ tên các cầu thủ mỗi khi quay cận cảnh mà còn biết được các thông số của trận đấu như tỷ lệ khống chế bóng của mỗi đội, số lần sút vào trong, số lần sút ra ngoài, số lần đá phạt góc, số lần phạm lỗi… và thậm chí cuối mỗi hiệp thì máy tính còn dựng lại bằng hoạt hình các tình huống quan trọng nhất. Để làm được việc đó, ngoài việc có một phần mềm hoàn chỉnh cùng những nhân viên tin học làm việc cần cù thì còn phải có cả đạo diễn thông tin để chỉ đạo những công việc đó. Theo nhận xét của các chuyên gia tin học và bình luận viên thể thao, hệ thống tin học phục vụ World Cup 1990 tại Italia đã hết sức hoàn chỉnh về các yêu cầu cần đặt ra với bóng đá. Thậm chí, sau đó Tổ chức Truyền hình Châu Âu (Euro Vision) đã mua hệ thống này của Olivetti để phục vụ cho việc truyền hình các trận đấu của Champion Ligue một số năm.

Chẳng lẽ in tên cầu thủ lên áo thì thôi sử dụng tin học?

Kể từ World Cup 1994 tại Mỹ, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) quyết định áo thi đấu của các cầu thủ phải có in tên để tiện quản lý và theo dõi cho khán giả. Ngay lập tức, quy định này của FIFA đã được cả thế giới áp dụng cho các giải đấu quốc gia và quốc tế. Và cũng chính vì quy định đó nên số áo của các cầu thủ có thể lên tới con số tới 70 với các câu lạc bộ.

Thế nhưng, cũng chính từ khi có quy định nói trên thì truyền hình cũng lười nhác hẳn việc hiển thị tên cầu thủ lên màn hình. Có chăng, họ chỉ thực hiện việc này vào lúc có sự thay đổi người hay có một cầu thủ nào đó bị phạt thẻ vàng, thẻ đó. Và cũng rất đáng tiếc là khi có bàn thắng thì hệ thống tin học cũng chưa chắc đã hiển thị tên cầu thủ đã thực hiện việc đó.

Liệu rằng đầu tư một hệ thống tin học cho ra hồn để góp phần sinh động cho truyền hình có là cần hơn so với việc đầu tư thêm thật nhiều máy quay? Hẳn rằng, điều này đã được các nhà thầu sản xuất truyền hình về bóng đá cân nhắc.

Dẫu vậy, phải nói rằng bản quyền truyền hình với các sự kiện như World Cup là ngày càng đắt đỏ. Và với giá thành đắt đỏ như vậy thì các tổ chức như FIFA cùng các nhà thầu sản xuất truyền hình cũng cần phải biết chiều lòng “thượng đế”. Vấn đề là chính các nhà đài cùng khán giả truyền hình phải có tiếng nói về vấn đề này. Đây là việc mà người ta đã làm rất tốt tại các World Cup 1978, 1982, 1986 và 1990 khi chưa có quy định bắt buộc phải in tên lên áo thi đấu của cầu thủ. Và cần nhớ rằng, tin học của thời kỳ đó chưa thể có cả phần cứng và phần mềm hiện đại như ngày nay.

Trịnh Nguyễn