Sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định viễn thông Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G.
Trên tinh thần đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, về tần số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
“Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá và cấp phép các băng tần cho di động 4G và 5G; tháo gỡ "nút thắt" về cơ sở pháp lý của việc triển khai đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện”, ông Nhã cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thúc đẩy, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai thử nghiệm công nghệ, dịch vụ 5G. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone hiện đã thử nghiệm 5G, trong đó có sử dụng các thiết bị Make in Vietnam, tại 16 tỉnh/thành phố trên cả gồm: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre. Hiện có hơn 500.000 thuê bao sử dụng, tốc độ trung bình đạt từ 500-600 Mbps,nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.
“Chúng tôi đặt mục tiêu cho thử nghiệm là đạt tốc độ truy cập 1Gb và kết quả thử nghiệm đã đạt được tốc độ này, thậm chí vượt”, ông Nhã cho biết.
Sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành các quy chuẩn về 5G như: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G độc lập; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G.
Đặc biệt, đối với vấn đề hạ tầng viễn thông, Bộ đã triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu phủ sóng 100% thôn bản trên toàn quốc. Theo đó, đến 2025 toàn bộ 100% thôn bản sẽ phủ phủ băng rộng cáp quang. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh phần vô tuyến và đảm bảo chất lượng.
Đối với hạ tầng di động băng rộng, khi cấp phép 2G, 3G và 4G đã được xây dựng cách cấp phép để tất cả các giấy phép đều hết hạn vào tháng 9/ 2024 và các băng tần số sẽ được xem xét, tiếp tục quy hoạch, cấp phép cho phù hợp với công nghệ mới 5G hiện nay và các công nghệ tiếp theo.
“Để giảm dần các thuê bao sử dụng các công nghệ 2G, 3G chuyển sang điện thoại công nghệ 4G trở lên, điện thoại thông minh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm dần thuê bao sử dụng công nghệ cụ trên mạng và sẽ dừng công nghệ không còn phù hợp khi số lượng thuê bao trên mạng còn dưới 5%, Bộ đã ban hành quy chuẩn đề thiết bị điện thoại nhập khẩu vào Việt Nam phải có công nghệ 4G”, ông Nhã cho biết.
Theo ông Nhã, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hóa 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao và khu vực có nhu cầu sử dụng cao.
“Đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổng kết đánh giá quá trình thử nghiệm mạng 5G, xây dựng tiêu chí về vùng phủ, chất lượng để cấp phép; giải pháp sử dụng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam”, ông Nhã cho biết.
Khôi Nguyên (T/h)