Siemens hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống chuyển đổi số

10:11, 07/02/2024

Để đáp ứng các yêu cầu của từng khách hàng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất, ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống phải dựa vào sự linh hoạt và năng suất tối đa. Đồng thời, tính bền vững là một yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của ngành này.

Các giải pháp số của Siemens giúp các khách hàng trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống vượt qua các thách thức và làm chủ quá trình chuyển đổi số, đồng thời đạt được sự chuyển đổi năng lượng bền vững. Những chia sẻ của TS. Phạm Thái Lai – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Đông Nam Á và Việt Nam sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về những yêu cầu của ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống, cũng như những giải pháp công nghệ nào sẽ mang lại hiệu quả cho ngành này.

TS. Phạm Thái Lai – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Đông Nam Á và Việt Nam.

– Theo ông để giải quyết những thách thức đặt ra cho ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống, các doanh nghiệp cần phải làm gì?
TS. Phạm Thái Lai: Để giải quyết thách thức về giảm phát thải khí CO2, các doanh nghiệp cần phải xem xét lại toàn bộ nhà máy, quy trình, cơ sở vật chất và hạ tầng, và đánh giá tác động môi trường của chúng. Điều này có nghĩa là tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng bằng cách sử dụng tầm nhìn tổng thể để cải thiện hiệu suất năng lượng.

Tiếp theo là cần phải đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và hoạt động an toàn. Sự an toàn của con người, sản phẩm và quy trình sản xuất phải được duy trì liên tục trong cả các nhà máy sản xuất và các tòa nhà văn phòng và quản lý.

Dữ liệu và quản lý dữ liệu là chìa khóa để đạt đến một cấp độ tầm nhìn mới giúp các doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn một cách nhanh chóng. Các công cụ quản lý năng lượng và theo dõi thông minh sẽ hỗ trợ tối ưu hóa việc tiêu thụ năng lượng và hiệu suất trên toàn bộ cơ sở vật chất qua đó giúp doanh nghiệp sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và năng suất nhất.

Ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống bị tác động bởi xu hướng và nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy để thích ứng và bắt kịp với sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Các sản phẩm mới cần được phát triển nhanh chóng và được sản xuất với chất lượng cao nhất bằng cách sử dụng thiết bị có thể được hiệu chỉnh một cách linh hoạt và thông minh.

Thời gian hệ thống không hoạt động là kẻ thù số một của năng suất và có thể gây tổn thất rất lớn cho các công ty. Giảm thiểu thời gian “chết máy” đột ngột là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà sản xuất thực phẩm. Với một chiến lược bảo mật toàn diện và kế hoạch bảo dưỡng dự phòng, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro này. Những sự gián đoạn tiềm ẩn có thể được phát hiện ngay trước khi chúng xảy ra, giúp cho nhà máy hoạt động thông suốt và liên tục.

Cuối cùng, để có thể chinh phục thành công hành trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng và xin lời khuyên ngay trước khi bắt đầu. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp đi theo đúng hướng. Các bước để truy cập dữ liệu họ cần chính là thiết lập kết nối giữa công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (IT/0T) trong tổ chức của họ.

– Ông có thể cho biết Siemens đã có giải pháp gì để giúp các khách hàng trong ngành công
nghiệp Thực phẩm và Đồ uống sản xuất một cách bền vững, hiệu quả và linh hoạt hơn?
TS. Phạm Thái Lai: Thế giới công nghiệp đang đối mặt với những thách thức thay đổi nhanh chóng, bao gồm tình trạng căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi về công nghệ, sự chuyển dịch trong thị trường toàn cầu và tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Số hóa và tự động hóa là những yếu tố quyết định để giải quyết với những thách thức này. Việc thu thập, hiểu biết và sử dụng khối lượng lớn dữ liệu được tạo ra trong Internet vạn vật công nghiệp (IIoT) là vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp số (Digital Enterprise) đang thực hiện chính điều này bằng cách kết hợp thế giới thực và thế giới số. Kết hợp thế giới thực và thế giới số giúp tích hợp mượt mà toàn bộ chuỗi giá trị từ thiết kế đến thực hiện, đồng thời tối ưu hóa với một luồng liên tục của dữ liệu.

Một Doanh nghiệp số đích thực có khả năng khai thác sức mạnh không giới hạn của dữ liệu bằng cách có cái nhìn sâu sắc để đưa ra quyết định nhanh chóng và tự tin – và để tạo ra các sản phẩm hàng đầu thông qua quá trình sản xuất hiệu quả.

Siemens Xcelerator – nền tảng kinh doanh số mở giúp khách hàng đổi mới sáng tạo nhanh hơn.

Siemens Xcelerator là nền tảng kinh doanh số mở của chúng tôi giúp khách hàng đổi mới sáng tạo nhanh hơn và cuối cùng trở thành một Doanh nghiệp số. Sau đó họ có thể tích hợp toàn bộ vòng đời sản phẩm với vòng đời của nhà máy và cơ sở sản xuất, cùng với dữ liệu về hiệu suất, nhờ phương pháp Bản sao Số (Digital Twins) toàn diện của chúng tôi. Phương pháp này tạo điều kiện cho việc ra mắt sản phẩm mới một cách nhanh chóng, sản xuất linh hoạt và tối ưu hóa hiệu suất dựa trên dữ liệu. Bên cạnh đó, bằng cách xem xét các kịch bản “nếu như” và dự đoán hiệu suất tương lai với Bản sao số của Siemens, các doanh nghiệp có thể chắc chắn rằng sản phẩm và quá trình sản xuất của họ sẽ hoạt động đúng như theo kế hoạch và thiết kế.

– Siemens đã và đang hỗ trợ hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống của Việt Nam như thế nào?
TS. Phạm Thái Lai: Để giúp các công ty tận dụng triệt để tiềm năng số hóa, Siemens đang cung cấp Doanh nghiệp số (Digital Enterprise) – một danh mục tổng thể gồm các giải pháp phần mềm và tự động hóa. Danh mục này cho phép các công ty công nghiệp thuộc mọi quy mô triển khai các công nghệ hiện tại và tương lai để tự động hóa và số hóa.

Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, những tập đoàn sản xuất đồ uống hàng đầu Việt Nam như Sabeco, Habeco, ABInbev đã tin tưởng và ứng dụng giải pháp tự động hóa chuyên dùng cho nhà máy sản xuất bia – Braumat, trong nhiều nhà máy của mình. Giải pháp tự động hóa Braumat của Siemens không những giúp các khách hàng nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, mà còn đóng vai trò tích cực là cầu nối giữa OT/IT, là “Data lake” lưu trữ và cung cấp dữ liệu từ phân đoạn sản xuất cho các giải pháp số hóa nâng cao của Siemens như PLM/MOM. Giải pháp số của Siemens cũng giúp công ty cổ phần Lothamilk bảo đảm chất lượng sữa, tăng năng suất và tối ưu giá thành sản xuất.

Ngành Thực phẩm và Đồ uống được dự đoán sẽ là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới. Là công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Siemens sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành này khai phá tiềm năng số qua đó đạt được sự tối ưu hơn nữa về hiệu suất và hiệu quả sản xuất, đồng thời đưa ra những quyết định đúng trong kế hoạch kinh doanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay 

https://vnautomate.net/siemens-ho-tro-doanh-nghiep-trong-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-va-do-uong-chuyen-doi-so.html