Số hóa đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế

13:18, 19/04/2022

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với hoạt động xuất nhập khẩu, việc doanh nghiệp tăng tốc số hoá được coi là cú huých đưa hàng Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Chuyển đổi số giúp thúc đẩy xuất khẩu

Nhằm đưa hàng Việt ra thị trường thế giới, nhiều năm qua Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín. Nhờ vậy, con đường đưa hàng hóa ra thế giới của Hapro được rút ngắn, lượng hàng xuất khẩu tăng đều hàng năm, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế.

Phó Tổng giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hapro đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành, sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động chào hàng, tìm kiếm thông tin, xuất nhập khẩu được triển khai thuận lợi. Qua đó Hapro đã xuất khẩu hàng Việt đến 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đơn vị thành công trong chuyển đổi số

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đơn vị thành công trong chuyển đổi số.

Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ, chuyển đổi số chính là chìa khóa để Rạng Đông phát triển, tăng trưởng. Sau 2 năm thực hiện chiến lược chuyển đổi số (2020 - 2021) Rạng Đông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn nhưng doanh thu đạt 5.709 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200 tỷ đồng.

“Hiện sản phẩm đèn Led và đèn điện tử thương hiệu Rạng Đông đã xuất khẩu tới các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Úc” - ông Nguyễn Đoàn Thăng nêu ví dụ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định, chuyển đổi số là giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may sớm hồi phục sau đại dịch Covid-19, đồng thời là yếu tố bắt buộc để duy trì và thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thì chuyển đổi số là điều tất yếu, bởi đây là công cụ cho các ngành sản xuất, đặc biệt những ngành chú trọng xuất khẩu” - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nêu rõ.

Đồng tình với phân tích này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mô hình hoạt động linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực… từ đó nhanh chóng thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Số hoá có phải là "cây đũa thần"?

Mặc dù chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Bộ KH&ĐT vừa công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021, trong đó nêu rõ chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số chính là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nhất trong quá trình chuyển đổi. Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Mạnh Hùng, mặc dù nhu cầu chuyển đổi số gia tăng nhưng có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát nêu rõ, rào cản mà họ gặp phải là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao.

Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được coi là rào cản lớn thứ hai khiến doanh nghiệp chậm chuyển đổi số (chiếm tỷ lệ 52,3%).

“Doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ gặp những rào cản ở mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh” - ông Lê Mạnh Hùng nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng, nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi còn mơ hồ khi định hướng, triển khai hoạt động sản xuất theo mô hình kinh tế số. Thậm chí không ít doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đầu, trong bao lâu, khi nào hoàn thành?

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông 

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, và “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”. Các chương trình, kế hoạch này đều xác định chuyển đổi số là quá trình tất yếu nhằm hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Đề cao khả năng thích ứng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc quốc gia Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành cho rằng, chuyển đổi số không phải việc làm đơn lẻ, mà là một quá trình với sự tham gia đồng bộ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, gắn với nền tảng công nghệ, mô hình kinh doanh số. Có như vậy mới có thể phát huy thế mạnh của nền tảng số trong xuất khẩu trực tuyến.

Từ góc nhìn của một đơn vị trực tiếp tham gia thương mại điện tử, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Fado Phạm Tấn Đạt chỉ rõ, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không nhất thiết phải lựa chọn những phần mềm quá “xịn”, mà nên chọn giải pháp phù hợp với quy mô, định dạng, nhân sự của mình. 

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất, nhập khẩu, hiện Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, phấn đấu là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử.

Theo/kinhtedothi.vn