Sở hữu trí tuệ trong 'metaverse': Thách thức pháp lý trong thế giới ảo

14:59, 26/04/2025

Sự phát triển bùng nổ của metaverse đang mở ra một kỷ nguyên số mới, nơi con người có thể tương tác, giao dịch và sáng tạo trong môi trường ảo. Tuy nhiên, song song với tiềm năng to lớn đó là hàng loạt thách thức pháp lý, đặc biệt liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặt ra những câu hỏi hóc búa cho hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong thế giới ảo không biên giới, việc bảo hộ tài sản trí tuệ đang đối mặt với nhiều khoảng trống mà pháp luật hiện hành chưa thể lấp đầy (Ảnh: Sưu tầm).

Metaverse là một thuật ngữ dùng để mô tả một không gian ảo 3D được xây dựng từ công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và internet, nơi người dùng có thể tương tác với nhau trong với môi trường kỹ thuật số thông qua các hình đại diện (avatar).

Đây không chỉ là một trò chơi hay nền tảng mạng xã hội, mà là một vũ trụ kỹ thuật số mở rộng, nơi con người có thể làm việc, học tập, mua sắm, giải trí và thậm chí sở hữu tài sản ảo như đất đai, tác phẩm nghệ thuật hay thương hiệu. Metaverse được xem là bước phát triển tiếp theo của internet – một “thế giới thứ hai” có tiềm năng làm thay đổi cách chúng ta sống và kinh doanh trong tương lai.

Khi thương hiệu bị "ảo hoá"

Hãy tưởng tượng bạn truy cập vào một trung tâm thương mại ảo trong metaverse và mua một đôi giày mang logo Nike – nhưng sản phẩm đó không hề do Nike sản xuất hay cho phép. Trường hợp này không còn là giả định mà đã thực sự xảy ra. Năm 2022, Nike đã đệ đơn kiện công ty StockX vì phát hành và bán các sản phẩm NFT (Non-Fungible token) chứa hình ảnh giày thể thao mang thương hiệu của hãng mà không được phép. 

Nike muốn StockX phải ngừng bán giày NFT, đền bù mọi thiệt hại và “yêu cầu StockX giao cho Nike tất cả các Vault NFT để tiêu hủy”. Vụ kiện này đã đi vào lịch sử khi các sản phẩm mà Nike muốn tiêu hủy là NFT, loại tài sản mã hóa không thể thay thế và tồn tại vĩnh viễn trên blockchain Ethereum hay nói cách khác là một tài sản không thể phá hủy. Vụ việc được xem là một trong những vụ kiện SHTT đầu tiên trong metaverse, mở màn cho hàng loạt tranh chấp tương tự.

Các thương hiệu lớn giờ đây phải “mở rộng quyền sở hữu” sang không gian ảo, trong khi nhiều nhà sáng tạo NFT tận dụng khoảng trống pháp lý để “mượn tạm” hình ảnh, biểu tượng mà không cần xin phép.

Bản quyền trong môi trường phi tập trung

Trong metaverse, bất kỳ ai cũng có thể sáng tạo, xây dựng nội dung, từ âm nhạc, thiết kế không gian, trang phục kỹ thuật số đến các tác phẩm nghệ thuật 3D. Tuy nhiên, chính sự phi tập trung và tính năng ẩn danh của nền tảng khiến việc xác định quyền sở hữu trở nên phức tạp.

Nếu một người dùng sao chép tác phẩm nghệ thuật ảo của bạn và bán nó dưới dạng NFT, bạn sẽ kiện ai? Ở đâu? Và liệu có đủ cơ chế để thực thi quyền?

Các nền tảng metaverse hiện chưa có hệ thống kiểm duyệt và quản lý quyền tác giả đủ mạnh, trong khi luật SHTT quốc tế vẫn đang trong quá trình “theo kịp công nghệ”.

Một khía cạnh đặc biệt khác của SHTT trong metaverse là quyền hình ảnh cá nhân. Khi người dùng có thể tuỳ ý tạo hình ảnh mới mô phỏng từ khuôn mặt người nổi tiếng hoặc “diễn lại” các hành vi của họ trong không gian ảo – quyền bảo vệ hình ảnh sẽ được áp dụng như thế nào? Thậm chí, trong một số nền tảng, AI có thể học và tái tạo giọng nói, khuôn mặt của người dùng từ dữ liệu đã có, tạo ra các phiên bản deepfake sống động, khó phân biệt thật – giả.

Deepfake và AI tạo hình trong môi trường metaverse tạo ra ranh giới mờ giữa sáng tạo và vi phạm. Nhiều chuyên gia luật cảnh báo nguy cơ "đánh cắp danh tính ảo" đang ngày càng gia tăng và cần khung pháp lý cụ thể.

Bản quyền và NFT: Sở hữu hay không sở hữu?

Mua NFT không đồng nghĩa với việc mua bản quyền tác phẩm (Ảnh: Sưu tầm).

Một vấn đề khác trong SHTT ở metaverse là việc mua bán các tác phẩm dưới dạng NFT. NFT thường được quảng bá như bằng chứng "sở hữu" một tác phẩm kỹ thuật số, nhưng sự thật lại không đơn giản như vậy.

Khi bạn mua một NFT của một bức tranh kỹ thuật số, bạn không mua bản quyền tác phẩm đó, trừ khi có thỏa thuận rõ ràng từ người tạo ra. Bạn chỉ sở hữu một mã token được xác minh là duy nhất trên blockchain, điều đó giống như bạn sở hữu một chứng nhận sưu tầm chứ không phải toàn quyền sử dụng, sao chép hay khai thác thương mại.

Sự mập mờ giữa "sở hữu token" và "sở hữu trí tuệ" khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm và bị cuốn vào những tranh chấp pháp lý khó lường.

Luật SHTT hiện hành được thiết kế dựa trên các khái niệm truyền thống về lãnh thổ, đối tượng bảo hộ vật lý và cơ chế thực thi hữu hình. Trong khi đó, metaverse là môi trường xuyên biên giới, nơi mọi hành vi có thể diễn ra dưới lớp vỏ ẩn danh.

Hiện chưa có bộ luật quốc tế chuyên biệt nào điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ trong metaverse. Các quốc gia vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm chính sách và tranh luận về thẩm quyền xử lý vi phạm.

Các chuyên gia đề xuất cần xây dựng các tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu, cập nhật luật SHTT truyền thống để thích ứng với thực tế ảo. Đồng thời, các nền tảng metaverse cần chủ động tích hợp các công nghệ kiểm soát bản quyền như blockchain, smart contract để xác thực và bảo vệ tài sản số.

Metaverse không còn là viễn cảnh tương lai mà đang là hiện thực phát triển từng ngày. Trong môi trường nơi ranh giới giữa ảo và thật bị xoá nhoà, tài sản trí tuệ trở thành một giá trị mang yếu tố sống còn đối với sáng tạo và kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không có luật pháp đồng hành, những giá trị đó có thể biến mất trong một cú click chuột.