Trí tuệ nhân tạo và thách thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những bước tiến mạnh mẽ, tạo ra những sản phẩm sáng tạo như bài viết, tranh vẽ, âm nhạc, thậm chí cả sáng chế khoa học. Tuy nhiên, trong khi AI mang lại cơ hội đổi mới sáng tạo, nó cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT).
Các quy định hiện tại về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ (Ảnh: ST)
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, một trong những vấn đề pháp lý đầu tiên liên quan đến AI là quyền SHTT. Trong quá trình phát triển AI, việc tạo ra các thuật toán, mô hình, và dữ liệu huấn luyện là rất quan trọng. Tuy nhiên, các quy định hiện tại về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Việc Trí tuệ nhân tạo AI phát triển mạnh mẽ đã đặt ra những câu hỏi lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Liệu các sản phẩm do AI tạo ra có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Việt Nam cần làm gì để hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này?
Quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trên thế giới về AI
Hiện nay, hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới đều chưa công nhận AI là chủ thể có thể được hưởng quyền SHTT. Theo luật pháp Mỹ, Anh, Úc và nhiều quốc gia khác, chỉ con người mới có thể được ghi nhận là tác giả của một tác phẩm sáng tạo. Ở Mỹ, Cục Bản quyền Hoa Kỳ từ chối cấp bản quyền cho các tác phẩm không có yếu tố sáng tạo của con người, đồng nghĩa với việc các sản phẩm AI tạo ra sẽ thuộc phạm vi công cộng và không được bảo hộ. Tại Anh, theo Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988, tác giả của một tác phẩm do máy tính tạo ra là người đã thực hiện các sắp đặt cần thiết để tạo ra tác phẩm – thường là lập trình viên. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Úc không công nhận AI là tác giả hợp pháp của một tác phẩm. Một số quốc gia như Ấn Độ, Hồng Kông, New Zealand có xu hướng công nhận lập trình viên hoặc chủ sở hữu AI là tác giả hợp pháp.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về ảnh hưởng của AI đối với hệ thống SHTT, trong đó tập trung vào các vấn đề như AI có thể được xem là tác giả không? Ai sẽ được hưởng quyền SHTT đối với sản phẩm AI tạo ra và có nên thay đổi luật để phù hợp với thực tế phát triển của công nghệ AI hay không?
Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật SHTT năm 2022 không có quy định cụ thể về AI. Điều 13 của Luật quy định chỉ có tổ chức, cá nhân mới có thể là chủ thể quyền tác giả, đồng nghĩa với việc AI chưa thể được xem là tác giả của bất kỳ tác phẩm nào. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng để xử lý các vấn đề liên quan đến AI, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ – ai sẽ là chủ sở hữu của các sản phẩm AI tạo ra, lập trình viên, tổ chức sử dụng AI hay công chúng; trách nhiệm pháp lý – nếu AI vi phạm bản quyền, ai sẽ chịu trách nhiệm; và cơ chế bảo hộ – làm thế nào để đảm bảo các sáng tạo từ AI không bị sao chép bất hợp pháp.
Để theo kịp sự phát triển của công nghệ AI và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, Việt Nam cần có những điều chỉnh phù hợp trong hệ thống pháp luật. Một số hướng đi có thể cân nhắc bao gồm sửa đổi Luật SHTT để công nhận quyền tác giả đối với sản phẩm do AI tạo ra theo hướng xác định chủ sở hữu hợp pháp (lập trình viên, tổ chức sở hữu AI, người vận hành AI...), xây dựng quy định về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp AI vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc tạo ra sản phẩm xâm phạm bản quyền, thúc đẩy hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc điều chỉnh chính sách SHTT đối với AI, đồng thời khuyến khích sáng tạo AI có đạo đức, đảm bảo công nghệ AI phát triển theo hướng có lợi cho xã hội mà không gây ra xung đột pháp lý.
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách con người sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, những thách thức pháp lý liên quan đến SHTT vẫn chưa có lời giải rõ ràng không chỉ ở Việt Nam, việc sớm đề ra những chính sách cụ thể cần sự nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển công nghệ AI, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ.