Số tiền đầu tư cho nghành IT sẽ giảm 8% trong năm 2020
Gartner dự báo số tiền đổ vào mảng công nghệ thông tin sẽ giảm từ 3.700 tỉ USD xuống còn 3.400 tỉ USD trong năm nay.
Theo đó, ngân sách dành cho IT của 10 ngành dự kiến sẽ giảm 5-11% trong năm nay. Những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi dịch bệnh sẽ là những ngành giảm chi nhiều nhất cho IT. Chẳng hạn như bán lẻ dự báo sẽ giảm 15% chi cho IT. Trong khi đó những ngành giảm chi cho IT ít nhất sẽ bao gồm năng lượng (-5%), khối nhà nước (-6%) và sản xuất (-7%).
“Các giám đốc công nghệ đang chuyển qua chiến lược tối ưu hoá chi phí khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa các khoản đầu tư sẽ bị thu nhỏ hết mức có thể và ưu tiên cho các hoạt động giữ cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Đây sẽ là điều hầu hết doanh nghiệp nghĩ tới trong năm 2020” theo ông John David Lovelock, phó chủ tịch Gartner nhận định.
Dự kiến tiền vào hầu hết các mảng IT sẽ giảm trong năm nay, với mảng thiết bị và hệ thống trung tâm dữ liệu giảm nhiều nhất (-9,7%). Tuy vậy sự lên ngôi của làm việc tại nhà sẽ biến điện toán đám mây công cộng thành điểm sáng cho thị trường sắp tới. Ngành này được dự đoán sẽ tăng khoảng 19% trong năm 2020. Mảng gọi điện, nhắn tin và hội họp trực tuyến dựa trên nền tảng đám mây cũng sẽ tăng lần lượt 8,9% và 24,3%.
“Quá trình phục hồi cũng sẽ không có đặc điểm tương đồng nào với những khủng hoảng trước đây, bởi cuộc suy thoái đang tạo nên cú sốc cho cả bên cung và cầu” phó chủ tịch Gartner cảnh báo.
Tuy vậy 13% doanh nghiệp sẽ tăng ngân sách cho IT để đối phó với Covid-19. Nhóm nghiên cứu Avasant đã phỏng vấn một cơ quan nhà nước và nhận thấy đơn vị này đã phải tăng ngân sách để cập nhật hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, vốn đang trong trạng thái quá tải khi số người nộp đơn thất nghiệp tăng cao.
57% các tổ chức sẽ giữ nguyên kế hoạch chi tiêu cho mảng IT, 30% còn lại sẽ giảm bớt nguồn tiền. Ảnh hưởng của đại dịch lên doanh thu đã khiến các doanh nghiệp phải xem xét lại các ưu tiên hoạt động và dự án. Hiện các ngành cắt giảm nhiều tiền cho IT nhất là giải trí, du lịch, khách sạn nhà hàng và bán lẻ.
Một điểm đáng chú ý là 79% các tổ chức IT vẫn chưa thực hiện đợt sa thải nào kể từ đại dịch. Tình trạng thiếu nhân lực của năm 2019 vẫn còn ám ảnh nhiều giám đốc công nghệ của các doanh nghiệp.
Một lý do khác là các công ty cũng cần giữ nguyên bộ máy nhân sự để hỗ trợ cho việc dịch chuyển lên làm việc trực tuyến, dù doanh nghiệp có quyết định chuyển sang làm việc trực tuyến 100% hay không. 21% công ty sa thải nhân sự IT đã cắt giảm trung bình 10% bộ máy.
Thanh Tùng (T/h)