Sống khổ thời công nghệ

08:05, 28/01/2013

Thử tưởng tượng xem, bạn sẽ thế nào nếu như trong hai ngày trời không có internet và điện thoại không dây? Đấy là tôi nói bạn, chứ tôi thì không cần tưởng tượng nữa, vì rõ ràng tôi đang trong tình trạng hết sức “cô lập” và “bi kịch” này, khi mà hai đường dây liên lạc chủ đạo trong đời sống văn minh đã hoàn toàn bị cắt đứt.

Đường dây mạng Internet nhà tôi bị đứt đến hôm nay là ngày thứ tư mà đội kỹ thuật bảo trì của FPT vẫn chưa cho người đến sửa. Sang đến hết ngày thứ hai thì thật họa vô đơn chí, tôi lại bỏ quên mất chiếc điện thoại ở lớp học buổi tối do tôi đứng lớp. Đúng ngày thứ bảy, việc nhờ người đến mở khóa cửa lớp để vào lấy lại điện thoại là hết sức khó khăn. Tới ngày thứ ba thì có vẻ như tâm trạng của tôi đã rơi vào sự hết sức tuyệt vọng…


Tôi hoàn toàn mất tự tin nếu bước chân ra giữa phố phường đông đúc mà trong xắc tay lại không có một chiếc điện thoại. Tôi sẽ thế nào nếu đi cùng một người nào đó trên phố mà chỉ vì một lỡ trớn đèn đỏ khiến thành ra bị lạc mất người. Nếu hẹn một người bạn đến một quán cà phê, thay vì nhấn một nút trên điện thoại “A lô. Cậu ngồi ở đâu thế?” – “Đây, trên tầng hai, ngay sát cửa sổ”, tôi sẽ phải lộn lên lộn xuống ba tầng gác và giữa cái quán xá mênh mông khách khứa, phải ngó vào từng bàn để xem bạn mình đã đến chưa, và đang ngồi ở đâu. Chưa kể vì lý do công việc, hàng ngày, hàng tuần tôi thường phải hẹn gặp những người trong đời chưa từng một lần nhìn thấy mặt. Nếu không có “a lô” yêu quý thì có lẽ chăng trước khi gặp mặt cần phải quy ước cái người kia nên mặc áo màu tím, tay phải cầm cuốn sách, tay trái cầm bông hướng dương để nhận diện. Rồi thì là nữa “A lô anh ơi, đón con hộ em. Nửa tiếng nữa nó tan học mà giờ em đang bị kẹt trên đường”; “A lô, tớ bỏ quên chìa khóa xe trên bàn họp, cậu ném qua cửa sổ giùm để tớ đỡ phải leo bộ lên năm tầng gác”; “A lô, đang ở sảnh B, cậu đã vào đến sân bay chưa?”. A lô, a lô và a lô. Đấy là toàn nói những cái vụn vặt, chứ chưa tính đến chuyện lớn cần tới cái a lô không dây.

Không như nỗi khổ thiếu vắng điện thoại, nỗi khổ “mất mạng” của tôi hoàn toàn được chia sẻ, vì lẽ gia đình tôi bốn người bốn máy tính cá nhân dùng chung một đường dây mạng. Và bộ phận bảo dưỡng của FPT liên tục nhận được những cú điện thoại nheo nhéo mang bốn giọng nói giận dữ, thô bạo khác nhau chỉ để than phiền về một hợp đồng. Tôi đã vài lần chứng kiến hành vi của những người mà cục CPU vô tình bị tắt ngóm, hay modem bị đơ ra đang trong thời gian chờ người đến xem xét và chẩn đoán. Họ có đầy đủ dáng dấp của một kẻ nghiện ngập. Đầu tiên là họ ngáp ngắn ngáp dài. Họ ngồi im một chỗ với vẻ mặt buồn bã, thỉnh thoảng đứng dậy đi đi lại lại một cách bồn chồn, mỗi lần đi qua chiếc máy vi tính lại liếc nhìn một cái bằng ánh mắt vô cùng khó tả. Vậy đấy, trong thế kỷ 21, không có máy tính thì đố mà làm việc nổi. Đánh máy ư? Thiết kế ư? Tính toán ư? Tra cứu ư? Liên lạc ư? Giải trí ư? Dường như mọi hỉ nộ ái ố trong ngày phần lớn dồn vào cái ông màn hình phẳng này. Không có máy tính, không có internet, thời gian của bạn sẽ dường như trôi qua chậm chạp hơn, trong khi cứ chúi mũi vào thế giới phẳng, bạn ngồi xuống lúc trời sáng và đứng lên khi trời đã tối, tất cả chỉ kéo dài như một khoảnh khắc. Chả thế mà mỗi lần đi nước ngoài, việc đầu tiên là những người trong đoàn cuống lên đi tìm mua card điện thoại và ngó nghiêng xem chỗ nào có wifi. Không có được hai thứ ấy thì thực ăn không ngon ngủ chẳng yên.


 “Làm thế nào mình sống nổi đây nếu như thiếu Internet và điện thoại không dây?”. Rồi trong lúc hết sức bi quan, tôi bắt đầu nghĩ đến những tư tưởng lớn hơn, những tư tưởng không chỉ mang tính cá nhân mà còn có ý nghĩa… nhân loại “Nhân loại sẽ ra sao nếu như không có internet và điện thoại không dây?”. Người ta sẽ thông thương buôn bán kiểu gì, người ta làm việc ra sao, chia sẻ thế nào, cách chăng mà yêu đương, hẹn hò? Rõ ràng hơn chục năm trước thì tôi chưa nghĩ đến điều này, chẳng ai nghĩ đến điều này hết khi mà chúng ta chẳng biết internet và điện thoại di động là cái thứ gì. Thậm chí mười lăm, mười bảy năm trước thì điện thoại cố định cũng còn là thứ xa xỉ. Hiếm hoi lắm mới có nhà có một cái, có chuyện bí quá thì sang hàng xóm gọi nhờ, nghe nhờ. Nếu muốn gặp một người nào đó thì tôi lạch cạch đạp xe đến nhà họ. Trời nắng chang chang đạp xe năm bảy cây số từ Yết Kiêu đến tận khu Thành Công, bấm chuông cửa, ngẩn người ra khi bậc phụ huynh nở nụ cười thông cảm “Thủy nó lại vừa chạy lên nhà bà nội rồi cháu ạ, đến tối mới về, cháu có nhắn lại gì không?”.

Có một lần, nhà tôi ở phố Đại Cồ Việt bị giải tỏa để làm đường, khi ấy tôi mới 13 tuổi, sống một mình trong khi bố mẹ đi làm ăn xa. Tôi vội vã đạp xe lên bưu điện Bờ Hồ đánh điện tín. Chi phí điện tín tính bằng số chữ, càng nói lắm càng nhiều tiền, nên tôi chỉ nói một câu đủ hiểu “Dỡ nhà. Về ngay”. Sáng sớm hôm sau đã thấy cha tôi đứng ngoài cổng sắt. Có thể ông đã bắt xe đêm về ngay sau khi nhận được điện tín. Không có điện thoại, không có internet thì đành liên lạc bằng những cách “thủ công” thế. Ngày trước, cái sự thỉnh thoảng thấy khách tự dưng lù lù đến nhà mà gia chủ không được biết trước là điều hết sức bình thường. Đến không gặp thì về, cũng là sự bình thường. Điện thoại đâu, email đâu, Yahoo Messenger đâu mà báo trước. Sau này, có một dạo hồi giữa thập niên 90 người ta thịnh hành máy nhắn tin. Muốn nhắn tin thì phải gọi điện đến tổng đài, thành ra lắm chuyện nực cười khi bao nhiêu tin nhắn bí mật cứ đọc ông ổng cho nhân viên trực.

Nhân viên trực cũng nhiều phen “hả”, “cái gì” trước những tin nhắn kỳ quặc chẳng giống ai. Nhưng cái máy này cũng chỉ được sử dụng một thời gian rất ngắn rồi nhanh chóng bị sa thải vì “điện thoại cục gạch” ra đời. Cái cục gạch ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần, và trong một thời gian rất ngắn trở nên thông dụng. Giờ người ta đã sáng chế ra iphone3G, rồi cả 4G. Tất tật mọi công nghệ thần kỳ thu gọn trong thứ thiết bị nhỏ xíu ấy. Tôi cũng lạc hậu, chưa dùng 4G bao giờ, nhưng cố gắng không sử dụng nó. Sợ rằng đã trót thử một lần thiết bị văn minh rồi thì đâm ra nghiện không thể thiếu được. Cũng như ngày xưa không có internet, không điện thoại, tôi vẫn sống tốt đấy thôi, có thấy khổ tí nào đâu. Không viết trên máy thì viết trên giấy; không đọc báo mạng thì đọc báo giấy; không chát chít qua mạng thì gặp nhau mà nói chuyện; không email thì gửi thư qua bưu điện; không “search google” được thì tra cứu Bách khoa toàn thư dày 1000 trang; không chơi game online được thì chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan; không nghe nhạc-xem phim online thì xem trên ti vi. Thậm chí ngày xưa (cái thời mà tôi còn bé tí ấy), còn không có ti vi, có mỗi đài phát thanh, cũng vẫn thấy cuộc đời tươi vui, thoải mái, chả có làm sao.


Đôi khi, sự thiếu vắng công nghệ văn minh lại tạo nên những trang tiểu thuyết tuyệt hay. Nó là sự lưu giữ những lá thư tình viết tay diễm lệ (chứ không phải là tin nhắn trên điện thoại), là nơi xảy ra những tình huống bi kịch của sự chậm trễ thông tin kiểu như Romeo không được Juliet điện thoại di động hay gửi mail báo trước về cái chết giả nên đã quẫn trí uống thuốc độc mà chết, là những ghi chép về sự hạnh ngộ trùng phùng của những con người ba mươi năm lưu lạc không tin tức gì chỉ vì trong tay chẳng có số điện thoại của nhau…

Giờ người ta không thể yêu nhau theo cách “thô sơ” của Romeo và Juliet như thế. Nghĩa là người ta không thể cứ ôm mãi nỗi nhớ không nhìn thấy mặt nhau. Không gặp được thì bật webcam lên, vào YM, Skype mà chát chít, rồi vớ lấy điện thoại mà xì xoạch nhắn tin. Khi chưa có công nghệ thông tin, người ta có thể chấp nhận được việc không biết người kia đi đâu, làm gì cả ngày hôm nay, nhưng giờ… chắc các bạn, những người đã từng sở hữu một chiếc điện thoại không dây đều có chung một cảm giác khi nghe âm thanh quen thuộc ở đầu dây bên kia “Tò te tí. Thuê bao quý khách vừa gọi có thể ngoài vùng phục vụ hoặc tắt máy”…

Theo thegioidienanh.vn