Sửa đổi Luật Viễn thông đáp ứng xu thế phát triển của 'xã hội số', 'kinh tế số'
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/LS.
Chiều 31/1, Bộ Tư pháp họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Nền tảng vững chắc cho 'nền kinh tế số'
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, ngay sau khi được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010, Luật Viễn thông đã tác động trực tiếp, tích cực đến sự phát triển nhanh, bền vững cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy cạnh tranh, từng bước hoàn thiện thị trường viễn thông Việt Nam phát triển lành mạnh, bình đẳng và hội nhập quốc tế. Đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích hợp pháp hơn cho người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; nâng cao và khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông; tăng thu cho ngân sách nhà nước; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về viễn thông trong điều kiện hội tụ của công nghệ và dịch vụ.
Cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông của đất nước tiếp tục được mở rộng, hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ với việc thiết lập được hạ tầng mạng lưới viễn thông của Việt Nam tốc độ cao, băng thông rộng, vùng phủ lớn làm nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái số.
Hạ tầng mạng lưới này đã góp phần đưa "dịch vụ số" vào các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội và sẽ là nền tảng vững chắc cho "nền kinh tế số" trong tương lai thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng 4G, triển khai 5G (trong thời gian tới) và mạng cáp quang phủ rộng khắp đến từng hộ gia đình với năng lực truyền tải dung lượng Tbps để cung cấp các kết nối dung lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng cho IoT, cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Đến nay, đã có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản/xã/phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,8% dân số (trong đó, vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 99% dân số), hình thành xa lộ kết nối với toàn thế giới (băng thông quốc tế 13,7 Tbps). Cơ sở hạ tầng viễn thông (cột, cống bể cáp, trạm phát sóng…) đã được triển khai trải rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với hàng vạn cột treo cáp (gồm cả cột điện lực), hàng nghìm km cống bể cáp và hàng trăm nghìn trạm thủ phát sóng di động 2G/3G/4G (hiện có 320.000 trạm BTS ứng với hơn 120.000 vị trí lắp đặt trạm trên toàn quốc).
Giải quyết các bất cập, vướng mắc, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Chính vì vậy, các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp để đảm bảo các dịch vụ kết nối, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên không gian mạng.
Các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập như chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng để tránh đầu tư lặp lại cơ sở hạ tầng viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng và thúc đẩy sự sáng tạo cung cấp các dịch vụ mới trên không gian mạng. Chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng, bán buôn lưu lượng để khai thác hiệu quả đầu tư hạ tầng.
Việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp hiện nay chỉ có một hình thức cấp phép và quy trình, thủ tục giống nhau cho các loại giấy phép, chưa phân loại theo tính chất của mạng, dịch vụ viễn thông, tài nguyên viễn thông, chưa phù hợp với quy mô, đối tượng cung cấp dịch vụ cũng như loại giấy phép viễn thông. Điều kiện cấp phép là vốn pháp định và mức cam kết đầu tư hiện nay không còn phù hợp.
Xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ xuyên biên giới mang tính chất thu thập dữ liệu, như hình ảnh, truy cập băng rộng tốc độ cao nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi của người sử dụng, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động mặt đất trong nước, đòi hỏi phải cụ thể hóa các cam kết quốc tế, các điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý thị trường dịch vụ vệ tinh phù hợp.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi tập trung vào các nhóm chính sách lớn, gồm: Chính sách quản lý và điều tiết thị trường bán buôn; hoàn thiện các quy định về cấp phép viễn thông; chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông vệ tinh; chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách quản lý dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (OTT viễn thông).
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị dự án sửa đổi Luật Viễn thông cần làm rõ một số vấn đề như các hành vi nghiêm cấm trong Luật đã được quy định tại các luật khác; quy định về hạn chế cạnh tranh; quỹ dịch vụ viễn thông công ước; đơn giản hóa cấp phép viễn thông; chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu…
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, tự rà soát, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông để trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ