Tại sao game mobile chưa phát triển tại Việt Nam?

10:00, 28/07/2011

Với 110 triệu thuê bao di động nhưng thị trường game cho điện thoại di động tại Việt Nam hiện vẫn đang ở dạng tiềm năng. Điều gì đã khiến cho việc kinh doanh game mobile hiện nay chưa thực sự phát triển?

Phân chia doanh thu thấp

Sự phát triển của toàn ngành nội dung số trên di động đã và đang bị cản trở bởi tỷ lệ phân chia doanh thu mà nhà mạng áp đặt cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP&SP- Content Provider/Content Service Provider). Game Mobile cũng không là ngoại lệ. Với mức tỷ lệ nhận về từ nhà mạng khoảng từ 45-55%, các doanh nghiệp kinh doanh game chỉ biết “đi đàm phán” để có được các game thay vì mạo hiểm đầu tư sản xuất, phát triển các game thuần Việt.

Quá trình đàm phán cũng diễn ra theo hướng “được chăng hay chớ” vì CP&SP trong nước thường không đưa phương án “trả phí cứng cố định” lên bàn đàm phán mà chủ yếu tập trung vào phương án phân chia lại doanh thu nhằm giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, khi ký hợp tác với các CP&SP trong nước, các đối tác nước ngoài mặc nhiên trở thành bên thứ ba chịu ảnh hưởng của chính sách phân chia doanh thu đề cập ở trên, do đó họ cũng không quá “mặn mà” với thị trường Việt Nam.

Để tháo bỏ vướng mắc này, một số CP&SP đã lựa chọn giải pháp là tự xây dựng kênh thanh toán độc lập, nhằm thoát khỏi sự chi phối của nhà mạng, đồng thời tự tạo ra cộng đồng khách hàng trung thành sau khi khách hàng đã sử dụng dịch vụ. Theo đó, người chơi được khuyến khích mở tài khoản trên hệ thống thanh toán do các CP&SP tạo ra, sau đó, để chơi hoặc tải game mobile, người chơi chỉ cần nạp tiền vào tài khoản đã mở và tiến hành trả tiền từ tài khoản đó, thay vì trả tiền bằng cách nhắn tin SMS hoặc thanh toán online charging để chịu trừ tiền trực tiếp trong tài khoản mạng viễn thông. Cổng game mobiplay.vn sử dụng hệ thống thanh toán đồng tiền ảo VCOIN của VTC, một mặt tận dụng tập khách hàng mà VTC đã tạo ra từ 5-6 năm nay, mặt khác, cung cấp cho người dùng cách thanh toán mới, với mức chi phí giảm đến 30% cho người dùng.

Game chùa tràn lan

Game mobile phổ biến tại Việt nam là các Java Game. Vì quá trình bẻ khóa các game Java là tương đối dễ, do đó các game chùa có cùng cách chơi, cùng thể loại nhưng không có bản quyền, được phổ biến rộng rãi trên mạng, đặc biệt là trên các diễn đàn như tinhte.vn, ddtn.com, vozforums.com. Điều này, một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành, một mặt còn hạ thấp điểm uy tín của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà cung cấp game nước ngoài. Giải quyết vấn đề này, các CP&SP đang cố gắng tạo ra các thương hiệu mạnh, chuyên biệt game mobile theo các cách khác nhau nhằm tạo ra các địa chỉ uy tín cho người chơi game. Ví dụ, upro.vn dành cho các thuê bao Viettel, mgame.vn dành cho thuê bao MobiFone, Mobiplay.vn không giới hạn thuê bao và tập trung vào số người chơi game mobile chuyên nghiệp.

3G: đắt mà chậm

Dù xu hướng “smart phone” hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhưng số lượng máy di động đời thấp vẫn phổ biến tại Việt Nam, với tỷ lệ chiếm hơn 95%. Mặt khác, tuy 3G đã được nhà mạng cung cấp gần 2 năm nay, nhưng chất lượng và tính ổn định của đường truyền tại các khu vực khác nhau vẫn chưa thuyết phục được người dùng, đặc biệt là những người nghiền game trực tuyến. Những điều này ảnh hưởng đến khả năng cung cấp game của các CP&SP, đặc biệt là các game có chất lượng đồ họa cao và hay, các game có tính cộng đồng với cách chơi trực tuyến. Dù vậy, các CP&SP cũng đã có những thử nghiệm quan trọng về xu hướng “online” game mobile, trong đó có thể đến các game đang nổi như “Nông trại vui vẻ” hay “Chúa nhẫn”.

Những khó khăn trên đã phần nào cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp game mobile tại Việt Nam. Tuy nhiên, tương lai vẫn còn ở phía trước, chúng ta hãy cùng chờ xem.

Theo Đức Võ/DĐDN