Tái sinh để trường tồn
Không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp còn phải mang sứ mệnh giúp quốc gia, dân tộc trở nên hùng cường thịnh vượng thì mới phát triển trường tồn.
- Bộ TT&TT duy trì văn hóa lì xì sách đầu năm mới
- Bộ TT&TT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng
- Bộ TT&TT công bố nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho cơ quan báo chí
- Bộ TT&TT ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả
- Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021
Lời toà soạn báo VietNamNet: Trong một thế giới đầy biến động với tương lai không đoán định, doanh nghiệp chỉ có thể trường tồn khi có khả năng tái sinh và mang sứ mệnh giúp Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Các doanh nghiệp viễn thông cần chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ số, thực hiện sự mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số. Tinh thần này được thể hiện qua phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc về chuyển đổi số với Tập đoàn VNPT. VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả toàn văn bài phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp tại một diễn đàn cuối năm 2020. Ảnh: Trọng Đạt
VNPT là công ty viễn thông lâu đời nhất tại Việt Nam nên đổi mới sẽ khó khăn nhất. Nhưng doanh nghiệp khác con người ở chỗ có thể tái sinh. Nếu VNPT có thể tái sinh thì sẽ trở thành công ty viễn thông trẻ nhất. Một doanh nghiệp chỉ có thể trường tồn khi có khả năng tái sinh. Bởi vậy, câu chuyện tái sinh của VNPT là câu chuyện có ý nghĩa sống còn. VNPT đang trên con đường tái sinh mình. Nhưng các đồng chí cần nhận thức đây là sự tái sinh, không chỉ là tái cấu trúc. Trong sự tái sinh này, mô hình tổ chức chỉ là công cụ, nó thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh, có thể hôm qua đúng nhưng hôm nay cần làm ngược lại.
Sứ mệnh của một doanh nghiệp
Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải có lợi nhuận. Lợi nhuận là phép đo hiệu quả. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Sau lợi nhuận là sứ mệnh. Sứ mệnh trước dân tộc mình. Sứ mệnh góp phần giúp Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số. Sứ mệnh đầu tư hạ tầng trước để Việt Nam bứt phá vươn lên. Một doanh nghiệp lớn cần một sứ mệnh lớn. Sứ mệnh của doanh nghiệp luôn phải gắn với sứ mệnh quốc gia. Chỉ có thế doanh nghiệp mới bền vững lâu dài.
Chuyển đổi doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp công nghệ số
Công nghệ viễn thông chuyển thành CNTT, rồi CNTT chuyển thành công nghệ số. 3 là 1. Chứ không phải 3 là 3. Hạ tầng, nền tảng, con người, dịch vụ phải chuyển dịch theo hướng số. Vẫn là một công ty, chứ không phải 3 công ty độc lập - một viễn thông, một CNTT và một công nghệ số. Việc tổ chức lại VNPT là sự chuyển đổi cả tập đoàn thành tập đoàn công nghệ số. Cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ CNTT và dịch vụ số trên cùng một hạ tầng, cùng một nền tảng, cùng một nguồn nhân lực. Dịch vụ số sẽ thay thế các dịch vụ viễn thông và CNTT. Dùng ca-nô 1.000 người công nghệ số để kéo cả con tầu 40.000 con người viễn thông là không thể. 40.000 người viễn thông phải chuyển dịch thành 40.000 người CNTT, và cũng 40.000 con người đó phải chuyển dịch thành người công nghệ số. Đó là logic đúng.
Chuyển đổi số doanh nghiệp viễn thông
VNPT muốn tạo hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, muốn tham gia dẫn dắt CĐS quốc gia thì đầu tiên, VNPT phải CĐS cho chính mình trước. Khó nhất của CĐS là thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh, thay đổi tổ chức, con người và qui trình, sáng tạo dịch vụ mới trên nền tảng số - là các dịch vụ ngoài viễn thông. Tức là một sự thay đổi toàn diện (Transform). Sự thay đổi toàn diện này dựa trên công nghệ số. Những công nghệ số hàng đầu phải kể đến là Cloud, Big Data, IoT, AI. Thuận lợi lớn nhất để thay đổi toàn diện với tư cách là một công ty lớn là, VNPT đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất - giai đoạn “vật cùng tắc biến”. Thường thì đã thành công, đã lên đỉnh vinh quang thì rất khó thành công tiếp. Nhưng VNPT đã đi qua một vòng Thăng, Trầm. Và bây giờ là một vòng quay mới, lòng người đồng thuận, đó là Nhân hoà. Cái may mắn của VNPT là vòng quay mới này được hỗ trợ bởi một cuộc cách mạng công nghiệp mới, bởi các công nghệ mới mang tính đột phá, đó là Thiên thời. Viễn thông đã có một mảnh đất mới là hạ tầng của nền kinh tế số, đó là Địa lợi. Như vậy là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà. Không có lý do gì để VNPT không CĐS thành công. Nếu không thành công thì chỉ là do Chủ tịch Phạm Đức Long thôi!
Công nghệ giúp con người đứng cao hơn
Khó nhất của CĐS là chuyển đổi con người. Khó nhất và lâu nhất là đào tạo nhân lực, nhất là khi tổ chức có hàng vạn người. Khó nhất là có được một nguồn nhân lực tương đối đồng đều. Nhưng công nghệ sinh ra là để con người đứng trên vai nó. Nếu chúng ta đưa sự xuất sắc của mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, của qui trình, của công nghệ vào trong phần mềm, vào trong nền tảng, và đưa nhân viên của mình làm việc trên nền tảng đó, thì tức là chính nền tảng sẽ hướng dẫn nhân viên làm việc, hỗ trợ nhân viên làm việc, nâng tầm họ lên, mức tối thiểu của mỗi nhân viên sẽ là mức của nền tảng. Sẽ không cần nhiều công sức đào tạo như trước đây nữa. Lãnh đạo các tổ chức, các doanh nghiệp nếu có niềm tin này thì mới dám, mới có thể CĐS nhanh tổ chức của mình.
Đầu tư vào hạ tầng viễn thông thế hệ mới
Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã từng ở top 50, nay tụt xuống top 100. Viễn thông đáng nhẽ phải đi trước, nhưng nay hạ tầng viễn thông lại xếp hạng sau kinh tế đất nước. Sau khi tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng, các doanh nghiệp đã dừng lại khai thác, tập trung vào cạnh tranh về giá, mà quên rằng, viễn thông là một ngành nếu dừng đầu tư là chết, vì công nghệ viễn thông, nhu cầu viễn thông liên tục thay đổi, với tốc độ nhanh nhất trong các ngành. Chúng ta đã có 2 giai đoạn đầu tư mạnh là những năm 1990, 2000, sau đó chững lại vào 2010. 2020 phải là một chu kỳ mới cho đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, để tạo tiền đề cho CĐS. Doanh nghiệp viễn thông nói chung, VNPT nói riêng, đã đến lúc phải nhận lấy trách nhiệm trước đất nước để tạo ra một hạ tầng mới, hạ tầng viễn thông thế hệ mới, gọi là hạ tầng số. Hạ tầng này cần được đầu tư trước, ít nhất đưa Việt Nam vào top 50 về hạ tầng số, tạo tiền đề thúc đẩy CĐS quốc gia. Lịch sử ngành viễn thông đã chỉ ra, đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông để dẫn dắt sự phát triển thì chỉ làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, lợi nhuận lớn hơn. Các doanh nghiệp viễn thông tụt lại phía sau đều là các doanh nghiệp không đầu tư mạnh cho hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ mới.
Đổi mới viễn thông lần 2
Lần thứ nhất cách đây hơn 30 năm, là chuyển đổi thiết bị viễn thông từ thế hệ analog sang thế hệ số. Sau 30 năm, chúng ta đã giải quyết xong bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Lần thứ hai này là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Thành nền tảng của kinh tế số. Một vài nền tảng có thể kể tên là: Nền tảng định danh số, nền tảng thanh toán số dựa trên Mobile. Đây là hai nền tảng căn bản nhất, đầu tiên nhất của kinh tế số, nhưng chỉ có nhà mạng mới có thể làm nhanh nhất, phổ cập nhất. Có thể coi đổi mới lần 2 này là sự chuyển dịch qui mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Là hạ tầng, là nền tảng của một nền kinh tế Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng cho lần hai này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt, qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước.
Không gian mới và thị trường của doanh nghiệp viễn thông thế hệ mới
Không gian mới là Cloud; là nền tảng của kinh tế số, như định danh số, thanh toán điện tử,...; là nền tảng cung cấp phần mềm, công nghệ như dịch vụ: AI, IoT, phân tích dữ liệu, Blockchain, An ninh mạng; là các nền tảng CĐS ngành; là tư vấn các doanh nghiệp khác CĐS. Thị trường chính của các doanh nghiệp viễn thông thế hệ mới là kinh tế số, là xã hội số. Thị trường chính phủ số là quan trọng nhưng không phải thị trường chính. Nó quan trọng ở chỗ, giúp chính phủ đi đầu về CĐS là kéo theo cả đoàn tầu quốc gia CĐS. Đoàn tầu mới là thị trường lớn chứ không phải đầu tầu.
Tất cả là dịch vụ
Nhà mạng viễn thông có nghề cung cấp công nghệ như dịch vụ lâu đời nhất trong số các công ty công nghệ. Nhà mạng cũng là công ty công nghệ có kênh bán rộng khắp nhất, tới tận thôn bản, cũng là công ty công nghệ có nhiều nhân lực bán hàng và chăm sóc khách hàng nhất. Hãy tận dụng kinh nghiệm này, thế mạnh này để cung cấp cấp các giải pháp công nghệ số, các sản phẩm công nghệ số như là dịch vụ. Sẽ không ai có thể làm tốt hơn nhà mạng. Muốn thế, mạng lưới, tổ chức, con người của nhà mạng phải On-Demand, tức là phải được phân bổ linh hoạt theo yêu cầu. Mạng lưới phải được ảo hoá, phải dựa trên nền tảng Cloud, phải thông minh hoá và tự động hoá, để có thể trở thành nền tảng của nền tảng.
Trách nhiệm của doanh nghiệp nền tảng
Doanh nghiệp viễn thông là một doanh nghiệp nền tảng, tức là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người. Doanh thu lớn, lợi nhuận lớn, vậy thì trách nhiệm phải rất lớn. Không thể vẫn để sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác. Không thể để các nền tảng khác chạy trên nền tảng của nhà mạng vi phạm pháp luật Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh quốc gia mà còn là phiền nhiễu đến người dân. Nhà mạng có làm được không? Hoàn toàn làm được. Và nếu không làm thì chủ tịch, TGĐ doanh nghiệp sẽ bị kỷ luật. Quản lý nhà nước với nhà mạng sẽ không thể lỏng tay nữa. Nhưng tôi kêu gọi trách nhiệm của các doanh nghiệp nền tảng, trách nhiệm cá nhân của các chủ tịch, TGĐ các doanh nghiệp nền tảng.
Đi ra nước ngoài
Một quốc gia muốn vào top 30-50 thế giới thì phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, có đóng góp cho sự phát triển của thế giới, dẫn dắt khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực. Và sự thật cho thấy, chỉ những quốc gia đi ra thế giới thì mới trở thành nước phát triển. Việt Nam xác định ngành ICT (Điện tử-Viễn thông-Công nghệ thông tin), ngành công nghệ số là mũi nhọn để đưa nước ta hùng cường thịnh vượng, thì các doanh nghiệp trong ngành không chỉ cạnh tranh trong nước, mà còn phải từ cái nôi Việt Nam đi ra nước ngoài và trở thành doanh nghiệp toàn cầu. VNPT chỉ có thể phát triển bền vững nếu có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Thực hiện các định hướng mới của Bộ TT&TT, tôi đề nghị VNPT các nội dung sau
1)- Bám sát định hướng mới của Bộ TT&TT. VNPT cần nghiên cứu, bám sát các định hướng mới của Bộ TT&TT để thay đổi cho phù hợp, và phải trở thành một trong các nhân tố chính, tích cực nhất để hiện thực hoá các định hướng này. Nó không chỉ lợi ích cho ngành, cho đất nước, mà đầu tiên nó mang lại lợi ích lớn cho chính các đồng chí, vì đó chính là những xu hướng của ngành mà ai nhìn ra trước, làm trước và làm nhanh thì người đó sẽ thành công.
2)- Nhanh chóng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Đầu tư hạ tầng Cloud. Phát triển các nền tảng (Platforms) về phần mềm, về IoT, AI, Big data, Blockchain và An ninh mạng, để cung cấp như một dịch vụ. Phát triển các nền tảng của kinh tế số: Định danh số, thanh toán điện tử, ...
3)- Phát triển các nển tảng phục vụ CĐS quốc gia. Cách nhanh nhất để đẩy nhanh CĐS là các nền tảng, nhất là các nền tảng cho từng ngành, từng lĩnh vực, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, ... VNPT và các doanh nghiệp viễn thông có nhiều thuận lợi để phát triển các nền tảng này.
4)- Đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất (NCSX) thiết bị viễn thông. Mục tiêu của Việt Nam chúng ta là làm chủ việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông. Ra nhập nhóm 5 quốc gia sản xuất hầu hết thiết bị viễn thông. VNPT phải là doanh nghiệp tích cực trong định hướng này. Việc thành lập tổng công ty VNPT Technology hoạch toán độc lập để tập trung vào NCSX thiết bị là hướng đi đúng. Rộng hơn, VNPT Technology phải trở thành doanh nghiệp NCSX thiết bị điện tử viễn thông nói chung, như IoT, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối, ... Nhưng NCSX là cho thị trường ngoài VNPT, tỷ lệ ít nhất là trên 50%, chứ không phải để bán nội bộ. Rộng hơn nữa, VNPT phải làm chủ công nghệ xây dựng các nền tảng CĐS, các nền tảng của kinh tế số. Make In Vietnam phải là tự hào Việt Nam.
5)- Cạnh tranh và hợp tác. VNPT sẽ chỉ bền vững khi đi đều 2 chân này. Cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành. Cạnh tranh để phải liên tục đi tìm không gian sinh tồn mới. Hợp tác để dùng chung hạ tầng. Hợp tác để các doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp dịch vụ mới trên hạ tầng của nhà mạng. Trong thời đại công nghệ số và CĐS, sẽ là vô vàn dịch vụ mới rất sáng tạo, không chỉ hàng trăm ngàn doanh nghiệp mà còn là hàng triệu người dân có thể sáng tạo ra, nhưng không thể tiếp cận khách hàng nếu không thông qua nhà mạng. Sự sáng tạo lớn nhất của VNPT có thể lại chính là không sáng tạo, mà là trở thành nền tảng để hàng triệu sự sáng tạo có thể đến với khách hàng. Cung cấp Open API là yêu cầu mới đối với VNPT và mọi nhà mạng.
6)- Một ban lãnh đạo đoàn kết và một người lãnh đạo hạt nhân xuất sắc, có sứ mệnh lớn lao, có khát vọng, có tầm nhìn đúng, dám đặt mục tiêu cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có cách tiếp cận độc đáo, đột phá và khả thi, luôn mang trong mình tinh thần việc 5 năm làm trong 1 năm sẽ là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định sự tái sinh thành công và bứt phá vươn lên của VNPT. Lựa chọn đúng lãnh đạo VNPT sẽ luôn là yếu tố quyết định. Khởi tạo một vòng quay mới, sứ mệnh mới, công nghệ mới, với các định hướng mới, mở không gian mới, nhận về mình những trách nhiệm mới, tôi và lãnh đạo Bộ TT&TT tin tưởng các đồng chí sẽ thành công trong sự dấn thân mới này. Và đây cũng là những nhiệm vụ mà Bộ, mà Ngành, mà Đất nước giao cho các đồng chí.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Theo mic.gov.vn