“Tám” chuyện trên Smartphone, người dùng có thêm nhiều lựa chọn

16:18, 21/04/2012

Có một thực tế đáng ghi nhận về những ứng dụng trò chuyện miễn phí, giá rẻ trên smartphone qua Internet đang thu hút lượng lớn người dùng. Ngoài yếu tố miễn phí, giá rẻ hấp dẫn thì thao tác nhanh gọn, dễ thực thi như bất kỳ cuộc gọi thông thường nào chính là điều kiện để người dùng dễ dàng tiếp cận. Thậm chí, nhiều người dùng ứng dụng này thay cho cả những gói cước nội mạng cực rẻ hay dịch vụ Video call của các nhà mạng

 

Cạnh tranh mạnh với các gói cước giá rẻ

 

Buổi tối, tôi thường gọi điện thoại về cho em gái để hỏi han tình hình quê nhà. Trước, 2 chị em dùng gói gọi 10 phút miễn phí của Mobifone. Về sau do cả 2 đều mua iPhone và được nơi bán giới thiệu về ứng dụng Face Time nói chuyện không tốn tiền nên tôi nhờ cài đặt để dùng thử. Chất lượng cuộc gọi to rõ và có thể nhìn thấy nhau. Quan trọng nhất là thoải mái gọi không phải lo tới 10 phút tắt máy gọi đã để lại dấu ấn trong tôi. Dẫu có đôi lúc cuộc gọi bị rớt sóng do mạng Wi-Fi trong nhà chập chờn, tôi vẫn thấy ứng dụng hữu ích cho những người hay “tám” chuyện như chị em tôi.

 

Tâm sự này của chị Ngọc Phương (chung cư Scerec, Quận 3, TPHCM) phần nào phản ánh thực trạng dùng các ứng dụng trò chuyện miễn phí trên smartphone. Nếu trước đây, gọi điện thoại qua các ứng dụng dưới sự hỗ trợ của Internet thường chỉ phổ biến trên máy tính, giữa các cuộc gọi quốc tế với nhau thì tình hình hiện nay đã đổi khác. Các cuộc gọi trong nước giữa smartphone- smartphone hay smartphone- điện thoại cố định qua các ứng dụng trên nền Internet diễn ra thường xuyên hơn. 

 

“Lấn sân” dịch vụ Video call của nhà mạng

 

Khi 3G phát triển, dịch vụ Video call được nhắc đến nhiều. Song thực tế hiện nay là hầu như rất ít người dùng Video call của nhà mạng. Không còn ngại vấn đề giá vì cước Mobibe Internet ngày nay đã rất thấp nhưng rào cản về quá trình đăng ký sử dụng, bắt buộc phải dùng điện thoại hỗ trợ 3G và cùng trong vùng phủ sóng 3G khiến thuê bao không mặn mà. Trong khi đó, phương thức đăng ký ứng dụng đơn giản, chỉ cần trong môi trường Internet thì các smartphone (có thể có hỗ trợ Video call, tức camera hoặc không) vẫn dễ dàng thực hiện cuộc gọi Video call.

 

Lúc này, smartphone của người nào có camera sẽ cho người bên kia thấy hình của mình, người nào không có camera thì chỉ thấy hình đối tác mà đối tác không thấy mình nhưng vẫn tâm sự bình thường. Song, đã là smartphone thì dường như hầu hết model đều có camera hỗ trợ cho các cuộc gọi Video call. Thế nên, cuộc gọi Video call trên smartphone trở thành lẽ đương nhiên, tự do, thoải mái chứ không chịu một số nguyên tắc “gò bó” như dịch vụ của các nhà mạng. 

 

Nhà mạng cần sớm thay đổi

 

Không phải ai dùng smartphone cũng thích các ứng dụng trò chuyện. Nhưng ngay cả khi không dùng mà ứng dụng được cài đặt miễn phí hoặc mức cước không phải suy nghĩ thì hầu hết đều cài. Cũng không hẳn ai dùng smartphone đều thích Video call. Song, nếu có điều kiện thuận lợi dùng chẳng ai không dùng. Hiểu rất rõ tâm lý này nên mỗi ứng dụng trò chuyện trên smartphone dù có những ưu, khuyết điểm riêng vẫn gặp nhau ở điểm chung: tìm và cài đặt đơn giản qua một bước, miễn phí hoặc phí rất thấp để cuộc gọi thường xuyên hơn, giao diện thân thiện để thực hiện cuộc gọi dễ dàng như bất kỳ cuộc gọi thông thường hiện tại.

 

Cũng không phủ nhận nhiều những nỗ lực của các nhà mạng trong suốt thời qua khi giá cước cuộc gọi ngày càng rẻ. Chưa kể, nhà mạng nào cũng đều đặn có chương trình khuyến mãi để thuê bao thoải mái tâm sự mà không lăn tăn về giá. Thậm chí như Beeline còn có gói cước ngoại mạng rẻ bất ngờ. Một số gói cước ưu đãi nội mạng của Viettel cũng nổi tiếng về mức giá xài xả láng. Song, dù rẻ đến đâu cũng không thể bằng miễn phí hoàn toàn. Chẳng hạn như chương trình gọi miễn phí 10 phút của 2 nhà mạng VinaPhone, MobiFone thật sự lợi ích cho hàng triệu thuê bao nhưng không phải ai cũng dễ dàng đăng ký được. Đến thời điểm nào đó, chương trình cũng chấm dứt chứ không kéo dài mãi. Ngoài ra, trong quá trình dùng, do chủ quan, nhiều thuê bao quên không cài thời gian nhắc 10 phút nên dễ bị phát sinh cước gọi. Từ đó tỏ ra nghi ngờ nhà mạng tính cước không chính xác. Với nhiều thuê bao khác, cứ 10 phút phải tắt rồi gọi lại khiến cuộc trò chuyện thường bị ngắt quãng nên sau thời gian dùng lại bỏ.

 

Với các cuộc gọi thông thường giá rẻ còn gặp khó khăn như vậy thì huống hồ gì cuộc gọi Video call của các nhà mạng càng ít có tính cạnh tranh hơn các ứng dụng trò chuyện trên smartphone. Để cạnh tranh, thời gian tới, các nhà mạng cần nhiều thay đổi bởi một lý do đơn giản, smartphone sẽ là điện thoại phổ biến nhất trong tương lai gần nhất như nhận định của ông Darin Williams, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam: "Cho dù khả năng chi tiêu đang giảm do áp lực lạm phát, người Việt Nam vẫn rất thích đầu tư cho công nghệ và duy trì kết nối liên tục. Quy mô thị trường kỹ thuật số Việt Nam tương đối nhỏ so với các nước phát triển, nhưng hầu hết các mẫu smartphone mới nhất trên thế giới đều được người tiêu dùng Việt Nam săn lùng và lên kế hoạch mua".

 

Tuy không chiếm số lượng áp đảo, song những người như chị Ngọc Phương đang đại diện cho một thế hệ trẻ tận dụng các ứng dụng “tám” chuyện vô tư trên smartphone để thoải mái trò chuyện mà không nghĩ ngợi gì về giá cước. Điều đó cho thấy gói cước gọi nội mạng miễn phí có thời hạn hoặc ngoại mạng giá rẻ của các nhà mạng đang dần mất đi tính hấp dẫn vốn có.

 

 

Một lý do nữa để các ứng dụng trò chuyện miễn phí trên smartphone sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới là: Người dụng thích các ứng dụng này là dân văn phòng dành cho các buổi hội họp hoặc các cá nhân có nhu cầu trò chuyện nhiều. Thường để họp hành hay trò chuyện thoải mái, người dùng luôn cố định một chỗ như công ty, nhà. Mà những nơi này luôn luôn có sóng Wi-Fi. Môi trường Wi-Fi rộng rãi từ nhà đến công ty, cafe, địa điểm công cộng cũng như giá cước 3G ngày càng hạ là điều kiện để các ứng dụng này không ngừng nảy nở.

 

                                                                                                          Phương Nam
TIN LIÊN QUAN