Tấm quang điện mặt trời 99% có thể tái chế
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, 97% vật liệu của các tấm pin năng lượng mặt trời (tấm quang điện) hoàn toàn có thể được tái chế và trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Điều cần hiện nay là Việt Nam sớm ban hành các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này.
Mới đây, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam”.
Ảnh: Minh họa.
Vật liệu làm pin mặt trời không độc
Theo nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi hết hạn sử dụng có thể thu về đến 99% các tấm pin mặt trời. Vấn đề ô nhiễm môi trường từ pin mặt trời hết hạn không còn là câu chuyện đáng lo ngại. Các tấm pin mặt trời với hàm lượng thành phần chủ yếu gồm kính, nhôm, silic, keo EVA… là vật liệu không độc hại.
Có thể tái chế và thu hồi vật liệu đến 97%. 2% còn lại khuếch tán trong không khí. Trong quá trình thu hồi, một số thành phần sẽ bị đốt cháy, khuếch tán vào trong không khí nhưng chủ yếu là thành phần tạo ra khí clo, không gây độc hại. Nhôm, kính thì có thể tái sử dụng được.
Chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - cho biết, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404 nghìn tấn vào năm 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045. Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời, tận dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo xu hướng chung của thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những chính sách quy định cụ thể đối với vấn đề xử lý tái chế tấm quang điện.
Đề xuất các giải pháp xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam, ông Đào Trần Nhân - Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại - đề xuất: Cần xây dựng quy định về thời gian ngừng hoạt động, lưu trữ hoặc tái chế tấm pin mặt trời và có quy chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên. Về công nghệ, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với từng loại pin và xây dựng quy chế giám sát, kiểm soát chất lượng pin năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tái chế cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đúng quy định khi có vi phạm.
Tấm quang điện hết hạn sử dụng không còn là câu chuyện đáng lo ngại.
Còn theo TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, cần có cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực cũng như tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức trong việc sử dụng, thu gom và tái chế pin năng lượng mặt trời một cách hiệu quả…
Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì sau khi hết hạn sử dụng có thể thu về đến 99% các tấm quang điện; hiệu suất tái chế và thu hồi vật liệu lên đến 97%. Như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ tấm quang điện hết hạn sử dụng không còn là câu chuyện đáng lo ngại.
Phó Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam - Nguyễn Quang Huân - cho biết, các tấm quang điện với hàm lượng thành phần chủ yếu gồm kính, nhôm, silic, keo EVA… là các vật liệu không độc hại, có thể tái chế và thu hồi vật liệu đến 97% và 2% còn lại khuếch tán trong không khí. Trong quá trình thu hồi, một số thành phần sẽ bị đốt cháy, khuếch tán vào trong khí nhưng chủ yếu là thành phần tạo ra khí Clo, không gây độc hại, còn nhôm, kính chắc chắn có thể tái chế, dùng lại được.
Vòng đời của tấm quang điện trung bình 15-20 năm, hiện các dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam mới phát triển trong 2-3 năm trở lại đây. Với xu thế khoa học - công nghệ không ngừng phát triển, các chuyên gia dự đoán rất có thể trong tương lai, các nhà máy muốn có nguyên liệu đầu vào để xử lý sẽ phải mua lại các tấm quang điện mặt trời từ các chủ đầu tư dự án, như vậy các tấm quang điện sẽ trở thành nguyên liệu đắt giá.
Có thể khẳng định, nhờ xử lý, tái chế các tấm quang điện mặt trời hỏng hoặc hết hạn sử dụng chúng ta còn tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên vốn đang cạn kiệt dần. Do vậy, vấn đề đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam là làm sao có các chính sách thu gom, quản lý và xử lý nguồn tài nguyên quý báu này như thế nào.
Thu Trang (T/h)