Tấn công chuỗi cung ứng trong thời đại số: thách thức lớn đối với Việt Nam
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công chuỗi cung ứng tinh vi. Các doanh nghiệp Việt từ các tổ chức nhỏ đến các tập đoàn lớn đều phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công qua những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống của đối tác hay nhà cung cấp.
Theo báo cáo các năm gần đây của Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), số lượng các cuộc tấn công mạng vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Tin tặc không ngừng thay đổi chiến thuật, từ việc cài mã độc vào phần mềm, tấn công lừa đảo (phishing) cho đến tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), khiến tình hình an ninh mạng trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.
Tác động nặng nề của tấn công chuỗi cung ứng
Các cuộc tấn công chuỗi cung ứng không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp bị tấn công mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền lan rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Hậu quả có thể kể đến như:
-
Rò rỉ dữ liệu nhạy cảm: Thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh, dữ liệu tài chính,... có thể bị đánh cắp và sử dụng trái phép.
-
Gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh: Các cuộc tấn công có thể khiến hệ thống máy tính, mạng lưới bị tê liệt, ngừng hoạt động, gây gián đoạn sản xuất, cung ứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
-
Thiệt hại về tài chính: Doanh nghiệp sẽ phải chi trả chi phí khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho khách hàng, đối tác, thậm chí là tiền phạt từ các cơ quan quản lý.
-
Mất uy tín, thương hiệu: Khi thông tin về vụ tấn công bị công khai, niềm tin của khách hàng và đối tác vào doanh nghiệp sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh doanh.
-
Rủi ro pháp lý: Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các vụ kiện tụng từ khách hàng, đối tác, các bên liên quan khác do vi phạm dữ liệu, rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Giải pháp bảo vệ các tổ chức, doanh nghiệp
Để bảo vệ các tổ chức, doanh nghiệp trước làn sóng tấn công chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai một chiến lược phòng thủ toàn diện, bao gồm:
-
Nâng cao nhận thức về an ninh mạng: Đào tạo nhân viên không chỉ về kiến thức cơ bản mà còn cập nhật thông tin về các mối đe dọa mới nhất và cách phòng tránh tấn công chuỗi cung ứng.
-
Đánh giá rủi ro thường xuyên: Thực hiện kiểm tra và đánh giá định kỳ để xác định các điểm yếu trong chuỗi cung ứng, từ đó chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
-
Triển khai các biện pháp bảo mật toàn diện: Sử dụng phần mềm bảo mật, cập nhật hệ thống thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập vào hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công.
-
Thiết lập quy trình quản lý nhà cung cấp chặt chẽ: Đánh giá kỹ lưỡng và lựa chọn nhà cung cấp có hệ thống bảo mật tốt, đồng thời yêu cầu các điều khoản bảo mật rõ ràng trong hợp đồng.
-
Hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng: Chia sẻ thông tin về các mối đe dọa và cùng thực hiện các biện pháp bảo mật chung để tạo ra một hệ sinh thái an toàn.
-
Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố: Chuẩn bị sẵn sàng để có thể nhanh chóng phát hiện, ứng phó và khắc phục hậu quả của các cuộc tấn công, giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa.
Vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng quốc gia
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng quốc gia. Để phòng tránh những mối đe dọa ngày càng tinh vi, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng; xây dựng khung pháp lý, thiết lập các quy định, tiêu chuẩn và chính sách rõ ràng về bảo vệ chuỗi cung ứng, đảm bảo tính răn đe và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực bảo mật bằng việc cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ tài chính để giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng phòng vệ trước các cuộc tấn công.
Trước những thuận lợi và thách thức đặt ra trong lĩnh vực an ninh mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin được cụ thể hóa bằng các văn bản quy pháp pháp luật. Một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có thể kể đến như: Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật an ninh mạng (năm 2018); Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (năm 2022); Nghị định 108/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Nghị định 85/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (năm 2023)….
Tấn công chuỗi cung ứng là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong thời đại số. Tuy nhiên, bằng sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một hàng rào thép bảo vệ chuỗi cung ứng, đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.