Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

10:26, 17/12/2024

Cùng với sự phát triển của kinh tế số, thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển, mở rộng với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia… đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế.

Còn nhiều thách thức

Theo Cục Thuế Hà Nội, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - là loại hình kinh doanh mới với đối tượng quản lý thuế rộng, phức tạp và phát triển nhanh chóng theo hướng số hóa. Trong đó, công tác định danh, định vị đối với tổ chức, cá nhân, thông tin dữ liệu về các giao dịch và đối tượng kinh doanh thương mại điện tử được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân nhận tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop...

Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh: VGP/Bích Phương

Cục Thuế TP. Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử gắn với mã số thuế và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.

Ngay từ đầu năm 2024, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra chuyên đề thương mại điện tử năm 2024 đối với tổng số trên 2.300 tổ chức, cá nhân.

Cũng theo số liệu từ Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng số thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử là 34.229 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tổng số thuế của nhóm doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử là trên 32.890 tỷ đồng, tăng 32%; tổng số thuế cá nhân kinh doanh là 150 tỷ đồng, tăng 38%; tổng số thuế hộ kinh doanh cung cấp hàng hóa dịch vụ trên sàn thương mại điện tử là 1.187 tỷ đồng, cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Hiện có hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài lên con số 116 nhà cung cấp. Việc này đặt ra những thách thức mới đối với công tác quản lý thuế, đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, còn nhiều vướng mắc khi triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố. Đó là, việc định danh các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử vẫn còn khó do các thông tin bị ẩn danh. Đặc biệt, khó khăn trong việc xác định việc thực hiện các giao dịch phát sinh vẫn thông qua thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng), dẫn đến không xác định được chính xác doanh thu, giá trị giao dịch...

Nhiều biện pháp xử lý vi phạm thuế thương mại điện tử

Ngày 9/12/2024, tại Công điện Số 129-CĐ/TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả thu thuế đối với thương mại điện tử để bảo đảm thu đúng – thu đủ - thu kịp thời"

Theo Cục thuế TP. Hà Nội, với tính chất phức tạp của đối tượng người nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hà Nội đã và đang thực hiện các biện pháp đấu tranh và xử lý đối với đối tượng vi phạm về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh, thu thập, kết nối bổ sung làm giàu kho cơ sở dữ liệu lớn về người nộp thuế về thông tin cá nhân, chủ doanh nghiệp, tài khoản, dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin giao dịch, doanh thu, dòng tiền…, để theo dõi, kiểm soát, cảnh báo tới người nộp thuế, tăng cường phân tích dữ liệu từ các giao dịch thương mại điện tử để phát hiện dấu hiệu gian lận, dấu hiệu rủi ro trước khi tiến hành thanh tra kiểm tra đồng thời tự động hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật;

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, công khai các vụ việc gian lận, trốn thuế lớn để răn đe và giáo dục cộng đồng.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong đó, xây dựng các quy định rõ ràng và chi tiết về quản lý thuế trong thương mại điện tử, bao gồm yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời quy định về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử;

Đặc biệt, kết hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan công an, ngân hàng và các cơ quan liên quan để thu thập thông tin, lập kế hoạch, kiểm tra các tài khoản có doanh thu lớn kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định;

Đẩy mạnh tăng cường, hợp tác, trao đổi thông tin quốc tế trong lĩnh thuế để kiểm soát, quản lý các tổ chức, cá nhân có giao dịch xuyên biên giới.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2024, cơ quan Thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị phối hợp xác minh điều tra đối với gần 1.900 người nộp thuế, nhận được gần 800 đề nghị của cơ quan Công an về việc cung cấp hồ sơ liên quan đến hơn 2.000 lượt người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm.