Tăng cường rà soát hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế
Trước tình trạng tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Yêu cầu rà soát và xử lý các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, việc làm trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4/2025 đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các Viện trực thuộc Bộ Y tế; các Trường Đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; Các Hội, Hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của Đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên; đồng thời rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.
Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tràn lan trong các quảng cáo thực phẩm chức năng
Mới đây, trong vị việc phát hiện gần 600 sản phẩm sữa giả, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Tìm hiểu về vụ việc có thể thấy, nhiều video quảng cáo cho các sản phẩm sữa của Hacofood Group có sự xuất hiện của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành.
Trong một video, PGS.TS Nguyễn Thị L, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, xuất hiện với lời khẳng định: “Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm” khi sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nhà máy đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ. Bà cũng “đánh giá rất cao Hacofood” và nhấn mạnh “đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt”.
Tuy nhiên, trước thông tin hai công ty này bị cáo buộc sản xuất hàng trăm loại sữa giả, bà L, tỏ ra bất ngờ, khẳng định không liên quan đến hoạt động sản xuất và cho biết chưa được xem lại video quảng cáo trước khi phát hành.
Một trường hợp khác, nhân vật mặc áo blouse trắng được giới thiệu là bác sĩ, TS Đinh Ngọc H, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên, Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định không có nhân sự nào mang tên này.
Không chỉ sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế, các công ty còn mời MC, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Chiêu bài này khiến người tiêu dùng tin tưởng, dễ sa vào bẫy của những lời quảng cáo thổi phồng, sai sự thật.
Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38-2021 quy định hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn công dụng sản phẩm có thể bị phạt từ 20 – 100 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm có thể bị cấm hoạt động quảng cáo từ 1 đến 2 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, người quảng cáo có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự theo điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng (sức khỏe, tài sản, tinh thần). Người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ cá nhân quảng cáo lẫn tổ chức sản xuất, phân phối.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chô biết, thực tiễn đã cho thấy có người lợi dụng buôn bán, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đặc biệt, có không ít trường hợp xuất sử dụng hình ảnh những người mặc áo blouse thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng. Đây là các hành vi vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ hoàn thiện các luật về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, theo hướng siết điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt.